Cần nâng cao chất lượng công tác dự báo các loại hình thiên tai
Sáng 20/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương và Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra 16 trận thiên tai, làm 1 người chết, 4 người bị thương, hàng trăm căn nhà bị ngập và nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại, tổng thiệt hại gần 243 tỷ đồng.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Đắk Lắk xảy ra 13 đợt thiên tai, gồm: 10 trận lốc tố, 1 đợt hạn hán và 2 đợt mưa lũ, ngập lụt, khiến 259 nhà dân bị hư hỏng, 5 điểm trường và 741 ha cây trồng bị ảnh hưởng... ước tính thiệt hại gần 11 tỷ đồng.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại hội nghị. |
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, như: theo dõi sát diễn biến thời tiết nhằm chủ động cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó, di dời, sơ tán người dân khi có thiên tai; chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”; quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng chống thiên tai khác.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và người dân các địa phương, với gần 300 lượt người tham gia; thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với trên 15.000 thành viên. Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 80 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai…
Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: hệ thống thông báo, cảnh báo cho vùng hạ du các hồ chứa còn thiếu; ngân sách hàng năm bố trí cho phòng chống thiên tai còn hạn chế; các công trình cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm an toàn trước thiên tai, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã còn hạn chế...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu kết luận hội nghị |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng: Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn trong năm 2023, công tác dự báo thời tiết cần được tăng cường để có những thông tin cảnh báo thiên tai kịp thời cho các địa phương từ sớm, từ xa; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản; kiểm tra các công trình hư hỏng, xuống cấp nhằm kịp thời sửa chữa, khắc phục, nâng cấp, không để xảy ra tình trạng vỡ đập, nhất là các công trình thủy lợi; tiếp tục củng cố năng lực đội ngũ thực hiện công tác phòng chống thiên tai các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác dự báo tình hình thiên tai nhằm đảm bảo ngày càng kịp thời, chính xác…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc