Multimedia Đọc Báo in

Định hướng hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk

17:26, 05/07/2023

Ngày 4/7, UBND tỉnh và Trường Đại học Tây Nguyên thống nhất ban hành Quy chế phối hợp định hướng hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác định hướng hoạt động của Trung tâm.

Theo đó, hai đơn vị sẽ tập trung phối hợp 3 nhóm nhiệm vụ, gồm: Công tác định hướng, xây dựng kế hoạch hoạt động của Trung tâm; Công tác tư vấn, hỗ trợ triển khai hoạt động của Trung tâm; Hợp tác xây dựng, phát triển mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia để tư vấn về công tác hoạch định và điều hành hoạt động của Trung tâm. Việc tham gia ý kiến, tư vấn phải đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khả năng phát triển của Trung tâm.

Về triển khai hoạt động ươm tạo doanh nghiệp (DN), cung cấp các dịch vụ tư vấn cho DN, Trung tâm chủ động tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu khởi nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh để triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN. Việc triển khai cung cấp dịch vụ và thu phí dịch vụ của Trung tâm phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ.

Ra mắt trung tâm
Ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.

Về triển khai hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ và nghiên cứu phát triển cho DN khởi nghiệp, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh, Trường Đại học Tây Nguyên chỉ đạo Trung tâm chủ động đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo năng lực của các bên.

UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối hỗ trợ Trung tâm triển khai các hoạt động nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ và nghiên cứu phát triển cho DN khởi nghiệp, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Sở Công thương làm đầu mối phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở NN-PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ Trung tâm trong việc phát triển các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ có khả năng thương mại hóa. Đồng thời, giúp Trung tâm tiếp cận, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm và các thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại theo quy định.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk
Không gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk.

Về triển khai hoạt động thương mại, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương, Trung tâm thường xuyên sàng lọc, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, có khả năng thương mại hóa trong các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường; chủ động làm việc với đầu mối của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục để đưa sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động hướng dẫn Trung tâm thực hiện việc kiểm định, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và công bố chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các thủ tục có liên quan để đưa sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ đầu mối nghiên cứu, triển khai hợp tác với Trung tâm để tổ chức các sự kiện, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo cơ chế đặt hàng; phối hợp hỗ trợ Trung tâm kêu gọi DN, cố vấn khởi nghiệp, quỹ, nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhà cung cấp công nghệ đầu tư, tham gia vào các hoạt động của Trung tâm; kết nối, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp cận các nội dung hỗ trợ về công nghệ…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.