Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào tỉnh Đắk Lắk

10:36, 25/08/2023

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công điện về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào địa bàn tỉnh.

Thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam, nhất là từ Campuchia diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước; lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khoẻ người dân.

Do đó, để tăng cường ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đặc biệt tại các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông… để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào địa bàn tỉnh.

Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Yêu cầu người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nhất là lợn nhập khẩu trái phép vào Việt Nam qua tỉnh Đắk Lắk.

ảnh
Trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Cư Kuin (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, UBND cấp huyện chỉ đạo, phân công lực lượng của địa phương tổ chức thống kê, kiểm soát đàn lợn vào địa phương để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hoá nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu; phân công các các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm tiếp giáp với hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp; tăng cường công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển tiêu thụ tại địa bàn huyện; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào tỉnh Đắk Lắk.

Các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng của Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở NN-PTNT, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đấu tranh, ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật; các đồn biên phòng tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch bệnh, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn vào địa bàn tỉnh qua hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia; phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.