Multimedia Đọc Báo in

Bước chuyển Băng Adrênh

09:19, 03/09/2023

Trải qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, từ một vùng đất khó, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) đã và đang chuyển mình từng bước thay da đổi thịt nhờ vào sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Thay màu áo mới

Xã Băng Adrênh được thành lập ngày 20/2/2003 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ xã Dur Kmăl theo Nghị định 113/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ. Khi mới thành lập xã có 5 thôn và 2 buôn, điều kiện kinh tế dân sinh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Do đó, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng.

Tận dụng lợi thế của địa phương, xã khuyến khích người dân đưa vào nuôi trồng nhiều cây con cho năng suất, chất lượng, tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại. Hiện toàn xã có diện tích cây trồng trên 3.600 ha, tăng 34% so với khi mới thành lập; sản lượng lương thực cây có hạt đạt trên 916 tấn, cà phê hơn 7.000 tấn; diện tích cây ăn trái phát triển mạnh với hơn 170 ha.

Tuyến đường chính vào trung tâm xã Băng Adrênh.

Là một trong những điển hình về chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, anh Trịnh Ngọc Lương (thôn Ea Tur 1) phát triển kinh tế với mô hình đa cây. Anh Lương cho hay, trước đây trên diện tích 1,2 ha đất của gia đình chỉ canh tác cà phê, sau một thời gian thì cây cà phê thường xuyên bị bệnh, năng suất giảm nên anh quyết định chuyển hướng sang trồng xen nhiều loại cây như nhãn, dổi, đàn hương, bơ, sầu riêng. Việc trồng xen canh cũng góp phần giúp anh hạn chế chi phí sản xuất do những loài cây tầng trên che bóng mát, hạn chế đất bị khô, giúp giảm lượng nước tưới. Một số loại cây có thể tạo ra chất dinh dưỡng giúp những loại cây khác phát triển. Hiện nay, vườn anh Lương có khoảng 300 cây nhãn, 150 cây dổi, 300 cây đàn hương và 60 cây bơ các loại cùng với sầu riêng, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Anh Lương chia sẻ: “Mô hình đa canh, đa cây trên cùng một diện tích có nhiều lợi ích, giúp gia đình tôi có nguồn vốn xoay vòng để trang trải, chăm sóc các loại cây trong vườn cùng phát triển, đem lại nguồn thu nhập ổn định”.

Về xã Băng A Drênh ngày nay, đi trên các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa giữa các khu dân cư mới cảm nhận rõ hơn về những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương. Bà H’Lir Byă (buôn Cuê) bộc bạch: "Trước đây, đời sống người dân khổ lắm, nhất là trong vấn đề tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn làm ăn, xây dựng trường học nên con cháu được học trong ngôi trường khang trang, giao thông đi lại thuận tiện... chúng tôi rất phấn khởi. Được chứng kiến quê hương hôm nay vươn mình phát triển, diện mạo thay đổi từng ngày tôi vô cùng tự hào”.

Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, xã Băng Adrênh tiếp tục duy trì và thực hiện các tiêu chí, đến nay đã nâng cao được 7/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Sau hơn 20 năm, đích đến lớn nhất mà Băng Adrênh đạt đựơc đó là nâng cao đời sống vật chất tinh thần, sự hài lòng của nhân dân. Đến nay, xã không còn nhà dột nát, tạm bợ; hệ thống đường giao thông từ xã đến trung tâm huyện đi lại thuận tiện. Tuyến đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa 100%; đường trục thôn, buôn được nhựa hóa và bê tông hóa trên 86,8%, số còn lại cơ bản đã được cứng hóa. Toàn xã có tổng chiều dài 75 km đường trục chính nội đồng, trong đó 42,15 km là đường trục chính cơ bản được cứng hóa, 32,85 km là đường đất vẫn đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Công trình thủy lợi với tổng năng lực nước tưới đảm bảo cho hơn 96% diện tích cây trồng; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện thường xuyên và an toàn.

Tuyến đường nội thôn được bê tông hoá sạch đẹp.

Cùng với đầu tư thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng nông thôn, Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng tiếp tục quan tâm đề ra các giải pháp nhằm nâng cao các tiêu chí dễ biến động như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Theo đó, xã đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao thu nhập cho người dân thông qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo vườn, bố trí cây trồng hợp lý; đồng thời tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết chủ động đóng góp xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội...

Ông Đào Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Băng Adrênh cho hay, tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập xã vừa qua, người dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi và bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đưa xã nhà phát triển ngày càng vững chắc. Tuy nhiên, mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 đã và đang đặt ra cho Băng Adrênh nhiều nhiệm vụ mới với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân; đồng thời rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.