Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa vững chắc cho hội viên

08:09, 15/09/2023

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành “bà đỡ” cho hội viên trong việc tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng, năm 2019, Hội Nông dân xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc) đã hướng dẫn Chi hội Nông dân thôn 3 thành lập và ra mắt mô hình Chi hội nghề nghiệp “Sản xuất chổi đót”, với 23 hộ cùng tham gia.

Tuy nhiên, do mới thành lập nên các thành viên vẫn còn hạn chế về vốn. Năm 2020, được sự quan tâm của các cấp Hội, 13 hộ khó khăn trong mô hình đã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, với tổng số tiền 350 triệu đồng. Các hộ sử dụng nguồn vốn này để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Đến nay, sản phẩm làm ra đã được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận mỗi hộ thu về 290 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này, các hội viên đã có kinh tế vững vàng, góp phần chuyển đổi ngành nghề mang lại hiệu quả cao tại địa phương. Mô hình Chi hội nghề nghiệp “Sản xuất chổi đót” cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương.

Công nhân làm việc tại một cơ sở của Chi hội nghề nghiệp “Sản xuất chổi đót” tại xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắc).

Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân được nhiều hội viên mới tiếp cận nguồn vốn như ông Y Tươi Buôn Jrang (46 tuổi, buôn Rơ Cai A, xã Krông Nô, huyện Lắk) xem là một nguồn lực quý giá hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. Ông Y Tươi chia sẻ, đây là năm đầu tiên gia đình được các cấp Hội hỗ trợ vay vốn, với số tiền 45 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng và trả trong vòng 3 năm. Gia đình ông đã sử dụng số vốn này để đầu tư chăm sóc, phát triển 3 ha sầu riêng và trích một phần để mua thêm các loại gia súc, gia cầm nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.

Theo Hội Nông dân tỉnh, trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp phát triển được trên 30,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn lũy kế gần 56 tỷ đồng; đã kịp thời giải ngân cho 3.065 hộ vay, với doanh số cho vay 92,4 tỷ đồng; hiện nay tổng dư nợ đạt 55,7 tỷ đồng, với 2.438 hộ vay. Việc hỗ trợ vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân được thực hiện theo phương thức cho vay có hoàn trả (có hạn mức, có kỳ hạn, có thu phí) được các cấp Hội triển khai thực hiện tại 172 xã (thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố), với bình quân mức vay gần 33 triệu đồng/hộ; 420 triệu đồng/dự án; thời gian cho vay từ 18 – 36 tháng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai thông qua các mô hình kinh tế tập thể không chỉ giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, mà còn thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự liên kết giữa các nông dân cùng sở thích, cùng ngành nghề. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)…

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xác định, Quỹ Hỗ trợ nông dân là nguồn lực quan trọng cho xây dựng, duy trì và phát triển các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp; phát huy và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình. Hằng năm, Hội tập trung hỗ trợ các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để kịp thời tiếp sức cho phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững". Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất thông qua việc chia sẻ, truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn đến với bà con nông dân. Bên cạnh đó, tập trung lấy những mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, trọng tâm là mô hình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi ở địa phương làm trụ cột để xây dựng các mô hình điểm trong công tác Hội và phong trào nông dân.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.