Multimedia Đọc Báo in

Sức mạnh nội lực cho xây dựng nông thôn mới

08:09, 15/09/2023

Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Đây được xem là sức mạnh nội lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM).

Hội Nông dân tỉnh hiện có 194.036 hội viên đang sinh hoạt tại 2.195 chi hội. Để phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM, Hội Nông dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các phong trào thi đua do Hội triển khai thực hiện đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã phát triển một cách mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có 137.066 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua và có 102.800 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân phát huy tiềm năng đất đai, nguồn lực, liên kết sản xuất với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và thân thiện môi trường. Các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn là mô hình điểm, điển hình tiêu biểu để các cấp Hội tổ chức các đoàn đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả.

Vườn sầu riêng của hộ ông Chu Văn Thông (bên trái) ở xã Krông Nô (huyện Lắk) vừa thu hoạch xong vụ 2023.

Đơn cử như hộ bà Lương Thị Oanh (Chi hội Nông dân thôn 6, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ea Wy), với mô hình sản xuất, chế biến cà phê, hồ tiêu và là đại lý cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có thu nhập ổn định hơn 2 tỷ đồng/năm. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình và các thành viên của HTX, bà Oanh còn tạo việc làm cho 16 lao động; cho 105 hộ ứng giống cây, con giống các loại và vật tư để sản xuất hiệu quả. Hay hộ ông Chu Thế Tráng (Chi hội Nông dân buôn Dho, xã Cư Pơng, TX. Buôn Hồ), với mô hình kinh tế trồng hồ tiêu, cà phê và cao su cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên. Ngoài ra, gia đình ông còn hỗ trợ 10 hộ nông dân khó khăn, với số tiền là 50 triệu đồng không tính lãi, cùng với nhiều cây, con giống…

Cũng là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Chu Văn Thông, Giám đốc HTX Sầu riêng Thông Phong (xã Krông Nô, huyện Lắk) cho biết, nhận thấy được giá trị kinh tế của cây sầu riêng, cách đây 10 năm gia đình ông đã tìm hiểu kỹ thuật và đầu tư trồng 4 ha sầu riêng. Đến thời điểm này, vườn cây đã cho thu hoạch ổn định, với sản lượng khoảng 150 tấn. Vụ sầu riêng năm nay, nhờ giá cao hơn mọi năm nên gia đình ông thu về khoảng 10 tỷ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thông còn tự bỏ tiền riêng hỗ trợ 100 hộ là đồng bào dân tộc Nùng, Tày và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển vườn sầu riêng, với tổng diện tích gần 200 ha. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn và giúp một số thành viên vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá và giàu.

Có thể thấy, phong trào không chỉ là động lực để nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu mà còn góp phần cùng với địa phương giúp được 10.555 hộ nông dân nghèo, hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống; hướng dẫn cách làm ăn và phổ biến kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật cho 121.360 lượt hộ nghèo; đóng góp gần 16,2 tỷ đồng và 16.450 ngày công để tham gia sửa chữa và làm mới được 198 căn nhà cho các hộ hội viên nghèo, hộ khó khăn; giải quyết việc làm cho 25.720 lao động hộ nghèo, hộ khó khăn mỗi năm…

Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” còn tạo được nội lực cho xây dựng NTM, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong 5 năm, cán bộ, hội viên nông dân đã đóng góp 54,5 tỷ đồng và trên 83.400 ngày công lao động, hiến hơn 326.400 m2 đất để nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động hội viên tham gia xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; xây dựng và thực hiện xã NTM kiểu mẫu; bảo vệ môi trường…

Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, qua 5 năm thực hiện, phong trào đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó đã khẳng định được vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định về kinh tế - xã hội của tỉnh. Phong trào đã giúp hội viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả và vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng vào chương trình giảm nghèo của địa phương và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.