Cần lắm những doanh nhân “đột phá”
Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về vai trò của doanh nhân, có người từng nói, doanh nhân là lực lượng chủ công làm nên "cuộc thoát nghèo vĩ đại" của đất nước sau đổi mới, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và tạo tiền đề hướng tới giàu mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng doanh nhân càng phải phát huy vai trò quan trọng của mình.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn từ bên ngoài khi hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, tổng cầu suy giảm, lạm phát còn cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và những bất ổn địa chính trị gia tăng. Ở trong nước, sản xuất khó khăn, sức mua thấp, đầu tư tư nhân có dấu hiệu yếu đi, đầu tư công dù có xung lực mới nhưng cần nhiều thời gian để chuẩn bị điều kiện, năng lực tiếp nhận dòng vốn. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) đang phải nỗ lực vượt qua những thử thách mang tính sống còn để tồn tại, giữ công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp vào tăng trưởng chung của đất nước. Một lần nữa, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng DN, doanh nhân phải được phát huy mạnh mẽ.
Không nằm ngoài tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cộng đồng DN của Đắk Lắk cũng đang rất khó khăn. Những số liệu về số DN thành lập mới, DN dừng nghỉ kinh doanh tăng mạnh, số vốn đăng ký thành lập DN giảm sâu… đã minh chứng điều đó. Thế nhưng trước muôn vàn khó khăn đang bủa vây, cộng đồng DN vẫn tiếp tục thể hiện được vai trò là một trong những trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Bằng chứng là đóng góp cho ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy khả năng lèo lái “con thuyền DN” của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh là khá vững vàng.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép ASEAN (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). |
Vai trò của DN, doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là điều không thể phủ nhận và rất đáng trân trọng. Tuy nhiên nếu so với tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển của Đắk Lắk thì có thể thấy đội ngũ doanh nhân hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn thế nữa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 12 nghìn DN đang tồn tại, hoạt động, đồng nghĩa là tỉnh cũng có thể có ít nhất là khoảng chừng đó doanh nhân. Thế nhưng, số doanh nhân nổi bật, được giới kinh doanh trong khu vực và thế giới “thừa nhận” là rất ít nếu không muốn nói là chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Điều đó cho thấy đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đủ sức làm nên “chuyện lớn” và vươn ra “biển lớn”. Thực tế này có thể xuất phát từ thực tế “nội lực” của đội ngũ doanh nhân, cũng có thể đến từ những hạn chế trong khả năng “tiếp sức” của địa phương. Nhưng dù sao đi nữa, “nội lực” của doanh nhân vẫn là yếu tố quyết định.
Nhắc đến những doanh nhân thành công, người ta hay nói đến “Tài – Tâm – Tầm”. Họ là những người dám nghĩ, dám làm và thậm chí là dám đương đầu với những thất bại để tạo lập con đường đi của riêng mình.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết số 41 hướng đến phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Điều đó cho thấy sự ghi nhận và quan tâm rất lớn của Đảng đối với đội ngũ doanh nhân. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, đội ngũ tinh hoa này sẽ có những “đột phá” để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc