Multimedia Đọc Báo in

Sắp xếp tài sản dôi dư: Bất cập và lúng túng (kỳ 2)

07:09, 12/10/2023

Kỳ 2: Rào cản từ cơ chế

Vấn đề giải quyết tình trạng trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới đang là bài toán khó, lúng túng đối với nhiều đơn vị, địa phương.

Bán không được

Theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ về Quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công quy định: Nhà, đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với công năng, tiêu chuẩn, định mức đang sử dụng ổn định thì tiếp tục giữ lại sử dụng; cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng do xây dựng trụ sở mới, sáp nhập hoặc thừa tiêu chuẩn, định mức thì điều chuyển cho đơn vị khác hoặc bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua thực tế các địa phương đang gặp phải nhiều khó khăn khi bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với những dạng tài sản công này.

Đơn cử như đầu năm 2019, sau khi trụ sở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành và đưa vào sử dụng, mọi trang thiết bị phục vụ nhu cầu làm việc, khám chữa bệnh tại trụ sở cũ (nằm trên đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) được di dời đến trụ sở mới. Sau thời gian dừng hoạt động theo quy định, tháng 8/2020, Sở Tài chính đã thông báo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản gắn liền với đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) với giá khởi điểm gần 533,5 tỷ đồng; trong đó, giá trị quyền sử dụng đất gần 461 tỷ đồng và giá trị tài sản gắn liền với đất trên 72,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá nên mới đây Sở Tài chính đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan phối hợp triển khai thủ tục đấu giá lại cơ sở nhà, đất này.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) ở đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) chuẩn bị tổ chức bán đấu giá lần hai. Ảnh: Trường Giang

Tương tự, sau khi chuyển về địa điểm làm việc mới, đầu năm 2020, Sở Tài chính đã thông báo đấu giá trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (cũ) và rạp chiếu phim Kim Đồng (số 2-4 đường Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột) với tổng giá khởi điểm trên 90 tỷ đồng; trong đó, giá trị tài sản trên đất gần 5,3 tỷ đồng. Hay như trụ sở Chi cục Thuế huyện Cư M’gar cũ (tại 132 đường Hùng Vương, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cũng được Sở Tài chính thông báo đấu giá tài sản trên đất và quyền sử dụng đất với giá khởi điểm trên 23 tỷ đồng vào năm 2020 (sau khi đơn vị này sáp nhập), trong đó giá trị tài sản trên đất gần 2,3 tỷ đồng. Dù địa điểm của các trụ sở này nằm tại khu đất vàng, ngay khu vực trung tâm nhưng vẫn chưa thực hiện đấu giá thành công.

 

“Trên thực tế, một số trụ sở có giá trị tài sản trên đất đã xuống cấp, hư hỏng nhưng quy định buộc vẫn phải xác định giá trị để bán. Trong khi đó, sau khi trúng thầu thì người mua cũng không thể tận dụng được cơ sở vật chất cũ mà còn phải bỏ ra thêm một khoản chi phí lớn để tháo dỡ, phá bỏ. Chính bất cập này khiến các nhà đầu tư không “mặn mà” trong việc đấu giá các trụ sở công” - ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Trao đổi về thực trạng này, ông Lê Danh Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: việc tổ chức đấu giá các trụ sở dôi dư sau sáp nhập gặp khó do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến người mua không “mặn mà” là do cách định giá để bán đấu giá bao gồm cả diện tích đất và tài sản trên đất. Trên thực tế, người mua chỉ có nhu cầu với phần diện tích đất, còn nhà lại không phù hợp công năng sử dụng song vẫn phải cấu thành vào giá; đặc biệt, có nơi giá trị này lên đến trên hàng chục tỷ đồng như trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh trên đường Mai Hắc Đế. Đó là chưa nói đến thời điểm này thị trường nhà đất chững lại hay việc quy hoạch, sử dụng đất của các địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu giá tài sản.

Loay hoay xử lý

Thực tế, tình trạng lãng phí, bỏ hoang nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập ở một số địa phương là do sự thiếu quyết liệt, còn lúng túng; không sớm đề xuất phương án điều chuyển cho đơn vị khác sử dụng hoặc bàn giao lại cho địa phương nên dù cơ sở vật chất còn mới, khang trang vẫn phải “để hoang” nhiều năm qua.Đơn cử như tình trạng “bỏ hoang” trụ sở Trung tâm Y tế huyện (cũ) ở huyện Lắk.

Theo ông Nguyễn Tri Hảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk, sở dĩ trụ sở Trung tâm Y tế huyện (cũ) “bỏ hoang” không sử dụng là do trong thời điểm đại dịch COVID-19, tỉnh đã có chủ trương thành lập khu điều trị nhưng sau khi hết dịch lại không có văn bản chỉ đạo dừng hay giải thể khu điều trị này nên phía Trung tâm cũng không thể sử dụng. Trong khi đó trụ sở làm việc hiện tại của Trung tâm lại không đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, các quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất những năm qua dù có rất nhiều nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, nhưng quy định về trình tự, thủ tục trong bán đấu giá nhà, đất chưa rõ ràng, còn chung chung; phương án bán đấu giá mất nhiều thời gian vì phải theo quy trình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là nguyên nhân cản trở đến việc xử lý nhà đất dôi dư.

Rạp chiếu phim Kim Đồng (đường Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột) đã thông báo bán đấu giá từ năm 2020 nhưng chưa tìm được nhà đầu tư. Ảnh: Trường Giang

Đặc biệt, với nhiều lô đất bán đấu giá có diện tích tương đối lớn, sau khi đấu giá phải thực hiện dự án thương mại, dịch vụ chứ không thể “xé nhỏ” để phân lô nên mãi vẫn không bán được dù những trụ sở này nằm ở những vị trí đắc địa và có lợi thế về hoạt động thương mại. Chẳng hạn như Trung tâm Dạy nghề (cũ) ở huyện Cư Kuin có diện tích gần 10.000 m2, do quy mô lớn nên việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu có thể “xé nhỏ” phân lô thì dễ bán hơn, nhưng theo quy định lại buộc phải bán đấu giá cả mặt bằng và tất cả tài sản gắn liền trên đất nên không dễ thực hiện. Ngoài ra, một số nhà, đất vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nằm trong quy hoạch sử dụng đất của địa phương hằng năm nên khó có thể xử lý theo quy định...

Có thể thấy, sau sáp nhập, chuyển địa điểm làm việc, câu chuyện dư thừa và lãng phí tài sản công vẫn đang là bài toán nan giải với các địa phương. Trong số ít trụ sở được đơn vị quản lý thuê người trông coi như trụ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (cũ)…; còn lại nhiều địa phương không có kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ dẫn đến tình trạng trụ sở xuống cấp, hư hỏng.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Tài sản công - không để lãng phí

Xuân Trường - Tam Giang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.