Xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột: Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều thay đổi.
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư
Nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW, Nghị quyết 103/NQ-CP và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 1/3/2021 Thành ủy Buôn Ma Thuột ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Nghị quyết 04). Nghị quyết này là tiền đề giúp thành phố tăng nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá tăng trưởng.
Dự án đường Đông Tây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột chính thức đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2023. |
Thông qua công tác quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện, Nghị quyết 04 đã thu hút được sự quan tâm, tạo sự thống nhất trong nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, tỉnh và Thành ủy trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để xây dựng và phát triển thành phố.
Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 7 công trình, dự án quan trọng, với tổng mức đầu tư 1.227 tỷ đồng. Đơn cử như công trình đường Tôn Đức Thắng có tổng mức 565 tỷ đồng; đường Nguyễn Đình Chiểu nối dài: 280 tỷ đồng; trục đường số 14 từ đoạn cuối đường Ama Khê đến đường Đông Tây: 180 tỷ đồng; đường Nguyễn Tri Phương nối dài: 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các sở, ngành của tỉnh cũng đề xuất 16 dự án trên địa bàn thành phố, với tổng mức đầu tư 2.697 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án đã và đang được triển khai như Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn từ cầu buôn Ky (TP. Buôn Ma Thuột) đến Km49 (huyện Buôn Đôn) tổng mức đầu tư 1.053 tỷ đồng.
Cùng với đó, thành phố cũng đã triển khai được 2 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 883 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 26 – Quốc lộ 14 – Tỉnh lộ 8, tổng mức 485 tỷ đồng và Dự án đường Giải Phóng đoạn từ đường Nguyễn Chí Thanh đến bùng binh Km5 (Quốc lộ 26) có tổng mức đầu tư 398 tỷ đồng.
Khơi dậy sức dân
Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, thành phố triển khai nhiều giải pháp để huy động các nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều dự án giao thông trọng điểm.
Theo đó, thành phố đã ban hành nghị quyết thí điểm cải tạo, nâng cấp các tuyến vỉa hè bằng đá tự nhiên và trồng cây xanh trên vỉa hè ở các phường trung tâm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Kết quả, đã vận động được người dân, doanh nghiệp đóng góp trên 7,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cùng với nguồn vốn ngân sách, thành phố huy động nhân dân chung sức thực hiện các tuyến đường trung tâm, có tính kết nối vùng, góp phần tạo diện mạo khang trang cho các khu dân cư nói riêng, thành phố nói chung.
Theo đó, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chủ trương vận động nhân dân hiến đất và giải tỏa vật kiến trúc trong phạm vi đầu tư các dự án giao thông. Đến nay tổng số kinh phí người dân đóng góp (thông qua việc không nhận bồi thường từ ngân sách) trên 35 tỷ đồng.
Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. |
Tiêu biểu như tại Dự án đường nối Quốc lộ 26 – Quốc lộ 14 và Tỉnh lộ 8, người dân dọc hai bên tuyến đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc để Nhà nước làm đường, với tổng giá trị 17,3 tỷ đồng. Năm 2022, hàng chục hộ dân dọc tuyến đường Dã Tượng (phường Tân An) đã hiến đất, dời vật kiến trúc, tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố tiếp tục triển khai vận động người dân hiến đất thực hiện Dự án đường Phan Huy Chú, đường Đỗ Nhuận, đường Chu Mạnh Trinh và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang cho biết, để thực hiện hiệu quả khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư phát triển, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, chương trình được giao tại các nghị quyết, chương trình của Chính phủ, Quốc hội, tỉnh và địa phương đề ra. Trong đó, sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố theo hướng hiện đại. Điểm nhấn trong quy hoạch, thành phố vừa quan tâm tạo sự phát triển kiến trúc, cảnh quan đô thị, đồng thời bố trí dành quỹ đất có lợi thế để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục huy động, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Bằng nhiều nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương, từ năm 2021 đến giữa tháng 10/2023, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố ước đạt 65.096 tỷ đồng, bằng 52,07% kế hoạch (nghị quyết đề ra 125.000 tỷ đồng), tăng bình quân hằng năm đạt 14,05%. Dự kiến cả giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 126.060 tỷ đồng. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc