Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

16:28, 13/12/2023

Sáng 13/12, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, đóng góp, giải đáp những kiến nghị cũng như đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nhân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.

tn
Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Buôn Ma Thuột Nguyễn Hữu Việt; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Đức Nhật cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, địa phương và hơn 50 viên doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột.

th
Đại biểu tham dự tại hội nghị.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng đã thông tin đến doanh nhân, doanh nghiệp về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, qua hơn hai năm thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng, đô thị đã có bước phát triển khá nhanh; các dự án phát triển đô thị đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội đã được thực hiện mở rộng và chỉnh trang gắn với cải tạo, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

th
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột Trần Đình Tuấn nêu ý kiến góp ý về nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, toàn thành phố có 6.640 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn điều lệ đăng ký là 88.687 tỷ đồng, chiếm 55% tổng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại - dịch vụ phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu của xã hội; tình hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng so với năm 2022.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu còn ít. Doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, doanh nghiệp mới được thành lập tăng nhưng doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể cũng chiếm tỷ lệ cao….

th
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đóng góp ý kiến về phát triển ngành hàng cà phê trong việc xây dựng Buôn Ma Thuột là “Thành phố Cà phê của thế giới". 

Trên tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc, hội nghị đã tiếp thu 10 lượt ý kiến của doanh nghiệp, tổ chức hội đóng góp liên quan đến các vấn đề về chính sách đất đai; tình hình ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường; tình trạng ô nhiễm rác thải trong khu dân cư khu vực đường Amajao – Hùng Vương; tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu đô thị. Một số các doanh nghiệp cũng đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa công tác “ươm tạo” cho công tác khởi nghiệp; quan tâm đến các việc nâng cao chất lượng hoạt động du lịch nhất là du lịch sinh thái, homestay; phát triển các sản phẩm OCOP; có chế chính sách cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố…

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng đã yêu cầu các ban, ngành địa phương trả lời rõ, trọng tâm; làm rõ đầu việc nào giải quyết được thì giải quyết ngay, đầu việc nào chưa thể giải quyết, phải có lý do xác đáng, chỉ ra chỗ vướng từ đó chung tay với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết.

th
Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến một số hoạt động sản xuất kinh doanh và sản phẩm OCOP.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhấn mạnh trong thành tích chung phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có sự đóng góp vô cùng quan trọng của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ với những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, đồng chí chủ tịch khẳng định hội nghị đối thoại hôm nay là cơ hội để thành phố đặc biệt là các phòng, ban được trực tiếp lắng nghe kiến nghị, phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp từ đó cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời. Lãnh đạo UBND thành phố cũng mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Từ đó, tạo mối liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội, đối thoại và hợp tác, tìm ra những giải pháp sáng tạo để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cùng đồng hành xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột sáng, xanh, sạch đẹp, thông minh và bản sắc.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.