Multimedia Đọc Báo in

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại huyện Cư Kuin

18:12, 09/01/2024

Chiều 9/1, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk do bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát tại huyện Cư Kuin về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43) và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội và Chương trình số 1987/CTr-UBND, ngày 25/3/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, hai năm qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Cư Kuin đã được khống chế, kinh tế - xã hội có mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 269 doanh nghiệp (tăng 90 doanh nghiệp so với cuối năm 2021); có 3.491 hộ kinh doanh (tăng 720 hộ so với cuối năm 2021).

Bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chủ trì buổi giám sát
Bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk chủ trì buổi giám sát.

Huyện đã hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; hỗ trợ 180 hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với tổng số tiền 540 triệu đồng; hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, tổng số tiền hơn 15,5 tỷ đồng.

Về chính sách tài khóa, tiền tệ, địa phương đã triển khai thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho vay giải quyết việc làm 41,6 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính học trực tuyến 340 triệu đồng; vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở gần 2,9 tỷ đồng; số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% là hơn 200 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia, trên địa bàn huyện Cư Kuin đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn huyện có lý trình từ Km111+061 đến Km114+636 thuộc xã Ea Ktur và xã Ea Ning, với 143 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích 24,7 ha. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 3 phương án bồi thường, hỗ trợ cho 2 tổ chức và 134 hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích 23,6 ha/24,7 ha, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 79 tỷ đồng; đồng thời tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 43 trên địa bàn huyện Cư Kuin vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể: nguồn lực tại địa phương không đủ để bố trí cho công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ và công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP còn chậm do công tác rà soát và phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách tại các đơn vị chưa kịp thời, chưa thống nhất. Trong triển khai dự án quan trọng quốc gia (Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột), địa phương còn khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ của địa phương còn thiếu kinh nghiệm…

Thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến tại buổi giám sát
Thành viên Đoàn giám sát tham gia ý kiến tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, huyện Cư Kuin đã bám sát các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Qua đó, đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm đời sống người dân. Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện đánh giá sâu, toàn diện hơn kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách; rà soát, đánh giá lại các nhóm chính sách để bổ sung kết quả triển khai, nhất là chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chính sách về lao động, việc làm. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.