Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái công nghệ cao và đa giá trị
Tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; gắn nông nghiệp với du lịch, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường… là đích đến mà nền nông nghiệp Đắk Lắk phải chạm đến vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Những bước đi tạo đà
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên trên 1,3 triệu ha, chiếm 24% toàn vùng Tây Nguyên, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp trên 650.000 ha (đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai). Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đến nay, tổng diện tích cây trồng của tỉnh ước đạt 679.000 ha, gồm: diện tích cây hằng năm trên 320.000 ha và cây lâu năm trên 350.000 ha, với nhiều cây trồng đứng đầu cả nước và khu vực như cà phê, sầu riêng, lúa, ngô…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã có những thay đổi, từ sản xuất dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội đã bắt đầu hướng đến những “giá trị xanh”. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến ở các địa phương.
Mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững trên địa bàn Đắk Lắk. |
Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng đang phát triển mạnh những hình thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi theo vòng khép kín, qua đó đã giảm đáng kể chi phí đầu vào, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đây là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay và trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, trong những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo ba trụ cột là: phát triển bảo tồn, sản xuất bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức lớn từ những vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng… thì việc phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn, bền vững, theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt là yêu cầu cấp bách. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái tuần hoàn, cải thiện và nâng cao đời sống khu vực nông thôn.
Trải nghiệm thu hoạch cà phê canh tác theo hướng hữu cơ tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công. |
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Mục tiêu Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với ngành nông nghiệp Về kinh tế: GRDP nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 4,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030, tăng bình quân 5,2%/năm. Về xã hội: Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%. Về môi trường: Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 30%; trồng trọt hữu cơ 2% tổng diện tích đất cây trồng chính. |
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), ngành nông nghiệp là lĩnh vực đầu tiên trong 5 lĩnh vực ưu tiên tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo các mô hình trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị chế biến thực phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường, hình thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đặc biệt là xây dựng thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột vươn ra tầm khu vực và thế giới, với những sản phẩm chất lượng cao.
Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng xanh, chú trọng đến bảo vệ môi trường, giữ được rừng, bảo tồn nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động.
Mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh đề ra đối với ngành nông nghiệp là rất cao, đi cùng với đó là các giải pháp đột phá, tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trên cơ sở đổi mới phương thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm, thủy sản theo hướng phát triển mạnh ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp (từ rừng trồng) và dịch vụ nông nghiệp.
Trong đó, ngành chăn nuôi là hướng ưu tiên, là đột phá trong phát triển nông nghiệp gắn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp toàn tỉnh.
Phát triển quan hệ sản xuất trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác; hình thành chuỗi liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; thúc đẩy liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà băng (ngân hàng), nhà khoa học và nhà phân phối.
Thu hút đầu tư, tập trung vào nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, công nghiệp chế biến, gắn các hoạt động sản xuất với phát triển du lịch…
Du khách tham quan tìm hiểu quy trình chế biến cà phê chất lượng cao tại trang trại Aeroco Coffee. |
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chính là hành lang pháp lý bao trùm tất cả các mặt trong phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Và với những quy định của quy hoạch đã được phê duyệt này đã mở ra cho ngành nông nghiệp Đắk Lắk những cơ hội, điều kiện phát triển đúng hướng, đúng mục tiêu để vừa tận dụng những tiềm năng, cơ hội của tỉnh cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc