Multimedia Đọc Báo in

Nhà vườn thấp thỏm vụ hoa tết

07:02, 03/01/2024

Thời điểm này, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc các loại hoa để kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến thất thường, chi phí tăng cao, trong khi dự báo việc tiêu thụ khó khăn đang khiến nhiều người lo lắng.

"Đầu vào" tăng mạnh

Để phục vụ thị trường hoa dịp Tết, gia đình anh Nguyễn Văn Lần (chủ vườn hoa Công Kiều ở thôn Xuân Mỹ, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) trồng khoảng 2.000 chậu cúc cỡ lớn và 1.000 chậu cúc cỡ nhỏ giống cúc pha lê được nhập từ Đà Lạt về.

Với những người trồng hoa, Tết Nguyên đán là vụ mùa quan trọng và được mong đợi nhất trong năm. Song, bước vào vụ hoa năm nay, nông dân trồng hoa đang thấp thỏm bởi chi phí đầu tư cây giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng. Như giá cây giống mọi năm chỉ khoảng 170 - 220 đồng/cây, thì năm nay tăng lên 250 - 300 đồng/cây; giá cây tre (dùng để tạo dáng cho cây) các năm chỉ 200 đồng/cây, năm nay đã tăng 400 đồng/cây; giá trấu mọi năm chỉ 2.000 đồng/bao nay đã lên 10.000 đồng/bao…

“Do thời tiết thất thường, để vườn cúc đều hoa, nền lá được xanh tươi, chúng tôi phải phun thuốc liên tục. Nếu 2 - 3 ngày không phun thuốc kịp thời, lá sẽ bị héo, úa vàng. Do đó đã đẩy chi phí đầu tư một chậu hoa tăng 20 - 30% so với mọi năm. Tuy nhiên, nếu tăng giá hoa bán ra để bù chi phí thì rất khó tiêu thụ, nhưng nếu giữ mức giá như mọi năm cho dễ bán thì người trồng hoa sẽ không có lãi”, anh Lần chia sẻ.

Anh Lần cho biết thêm, những chậu hoa đẹp, gia đình anh vẫn nhập cho các thương lái với giá từ 250.000 - 1.500.000 đồng, tùy theo kích cỡ, chiều cao, chất lượng hoa; những chậu cúc cỡ nhỏ nhất có giá 50.000 đồng/chậu. Với chi phí đắt đỏ như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh chỉ đủ tiền trả nhân công và may lắm thì có dư được một khoản nhỏ để trang trải, sắm sửa cho một cái Tết sau mấy tháng trời vất vả với nghề trồng hoa cúc này.

Anh Nguyễn Văn Lần (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn hoa cúc để kịp bán dịp Tết.

Gắn bó với nghề trồng hoa 10 năm nay, ông Nguyễn Đức Hiến (chủ một vườn hoa cúc tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho hay, năm nay gia đình ông trồng 900 chậu cúc pha lê. Thời tiết năm nay diễn biến thất thường, trời chuyển lạnh đột ngột, nhiệt độ xuống thấp kéo dài và ban ngày nắng ít, dễ khiến hoa nở không đúng dự kiến. Đặc biệt, thời tiết thay đổi liên tục dẫn đến nguy cơ xuất hiện một số loại nấm trên cây rất cao. Do đó, để cây không bị sâu bệnh hại, nhà vườn phải xử lý phân, thuốc liên tục, dẫn đến chi phí theo đó cũng tăng lên đáng kể.

"Bên cạnh phải sử dụng với cường độ nhiều, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật năm nay cũng cao hơn so với mọi năm. Cùng với đó, ngày công của người lao động năm nay cũng tăng so với năm ngoái. Năm trước, tiền thuê nhân công là 160.000 - 180.000 đồng/ngày thì năm nay tăng lên 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Để đảm bảo lượng công việc, cây nở hoa đúng dịp Tết thì mỗi ngày phải thuê 5 - 6 người làm việc tại vườn. Với chi phí như thế, người trồng hoa sẽ khó có lãi”, ông Hiến nói.

Không riêng những hộ dân trồng hoa cúc, các nhà vườn trồng hoa đào cũng đang lo lắng cho vụ hoa tết năm nay. Gia đình chị Vũ Thị Hằng (chủ vườn hoa Hùng Hằng ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) đang trồng khoảng 7.000 gốc đào Nhật Tân. Chị Hằng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hoa đào đến nay cũng được 20 năm. Trồng hoa đào phải bỏ vốn đầu tư nhiều và chăm sóc rất tỉ mỉ, việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm. Canh chuẩn thời gian cây nở hoa đúng dịp Tết là rất khó vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm nay, ở đây mưa nhiều nên cây phát triển không đều, dễ bị nấm bệnh, cây không đẹp, dễ bị thương lái ép giá nên gia đình tôi rất lo lắng”.

Lo lắng "đầu ra"

Bên cạnh chi phí tăng mạnh, điều khiến người trồng hoa lo lắng nhất vào lúc này là vấn đề tiêu thụ.

Theo ông Đoàn Văn Linh (thôn Xuân Long, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), gia đình ông đã có 10 năm trồng hoa cúc nhưng chưa năm nào thị trường tiêu thụ lại có dấu hiệu kém như năm nay. "Mọi năm gia đình tôi thường trồng 700 - 1.000 chậu hoa cúc pha lê loại lớn để nhập sỉ cho thương lái ở các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bình Dương… Tuy nhiên, năm nay thương lái đặt vấn đề mua hoa không nhiều, giá nhân công, vật tư lại tăng cao nên gia đình tôi chỉ trồng gần 200 chậu cúc để vừa giữ nghề, vừa tiết kiệm chi phí và vẫn có hoa bán cho khách lẻ vào dịp Tết Nguyên đán 2024", ông Linh cho hay.

Nhà vườn của ông Đoàn Văn Linh (thôn Xuân Long, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) giảm số lượng hoa tết vì thị trường tiêu thụ giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng.

Trong khi đó, tại các vườn hoa đào trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, mọi năm đến thời điểm này, thương lái sẽ bắt đầu đến thăm vườn, chọn cây, đặt cọc để mua. Thế nhưng năm nay, không khí mua bán đang khá trầm lắng. Theo chị Vũ Thị Hằng (chủ vườn hoa Hùng Hằng ở phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ), so với mọi năm, khách hàng đến vườn xem hoa giảm khoảng 60%. Với lượng khách hàng giảm sút như vậy, những nhà vườn như chị Hằng đang rất lo lắng về đầu ra của hoa tết năm nay. "Giá hoa đào năm nay không tăng so với mọi năm, chỉ dao động từ 350.000 đồng đến vài triệu đồng mỗi cây, tùy vào kích thước và tuổi thọ của cây. Trong khi các nhà vườn trồng hoa ngày càng nhiều, thị trường tiêu thụ lại thu hẹp vì nhu cầu giảm nên dự kiến lợi nhuận năm nay sẽ không có nhiều", chị Hằng lo lắng.

Có thể thấy, sau một năm vất vả, rất nhiều kỳ vọng được người nông dân đặt vào vụ hoa tết. Mặc dù gặp nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng với tinh thần chịu khó và sự sáng tạo, hy vọng nông dân các làng hoa vẫn có một vụ Tết như mong ước.

Ngọc Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.