Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp chủ động vượt qua thách thức

08:08, 15/03/2024

Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp khiến DN phải đối mặt với không ít khó khăn.

Nhiều thách thức đặt ra

Bước vào năm 2024, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đà phục hồi sau những ảnh hưởng đến từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, sau quãng thời gian chống chịu những biến động về giá cả, nhân công hay sự trầm lắng của thị trường bất động sản… đã đẩy nhiều DN vào "thế khó".

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Cà phê An Thái cho hay, hiện tại giá nguyên liệu tăng cao, trong đó các mặt hàng chủ lực như cà phê, tiêu… đã tăng gần như gấp đôi so với cùng kỳ năm trước khiến các DN gặp khó khăn trong kiểm soát rủi ro.

Khi giá tăng nhanh, các DN sẽ không đoán được xu thế giá, dẫn đến không mua được nguyên liệu theo kế hoạch đề ra mà phải mua theo giá thị trường. Như vậy, nhu cầu vốn lưu động của DN sẽ tăng.

Quan trọng hơn là việc điều chỉnh giá bán các sản phẩm sẽ không theo kịp giá cả của nguyên liệu. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ hiện nay cũng làm ảnh hưởng đến cước phí vận chuyển và thời gian giao hàng của các DN xuất khẩu.

Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk hiện đang có 1.000 công nhân làm việc.

Không chịu tác động từ giá cả, tuy nhiên Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng như nhiều DN khác trong Cụm công nghiệp Tân An lại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công cũng như quỹ đất để mở rộng sản xuất.

 

“Các sở, ngành, địa phương cần rà soát, kịp thời xử lý những đề xuất, vướng mắc, đồng thời tích cực tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực vượt khó, đồng thời tiếp tục đổi mới, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất để hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung.

Theo Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk Trần Chí Vĩ, hiện tại công ty đang có 1.000 công nhân làm việc. Năm 2024, đơn hàng của DN tăng 20%, vì vậy đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động cũng như mở rộng nhà xưởng để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất của Cụm công nghiệp Tân An hầu như không còn nên DN vẫn chưa thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Kim Tùng, Giám đốc Ban quản lý chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân An cho biết, hiện tỷ lệ lấp đầy của Cụm công nghiệp Tân An đã đạt 100%, với 73 DN đang sản xuất, tạo việc làm cho gần 4.000 lao động.

Theo khảo sát, các nhà máy, DN trong cụm công nghiệp này đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 2.000 lao động các loại vào làm việc. Hiện nhiều DN đang đặt bảng tuyển dụng ngoài công ty để tuyển nhân công nhưng vẫn chưa đủ.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua và trong những tháng tới, DN sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Cụ thể, ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới; khu vực nông nghiệp đối mặt với El Nino, thiên tai, bão lũ.

Hơn nữa, căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu. Thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến...

Chủ động các giải pháp

Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng để “đứng vững” trên thị trường, nhiều DN đã chủ động thực hiện những giải pháp linh hoạt.

Công nhân Công ty Cổ phần KD Green Farm, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc sơ chế chuối xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Gia

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung Huỳnh Văn Dũng, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024, công ty sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt thích ứng với tình hình. Đầu tiên là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm ra thị trường.

Đồng thời, tập trung thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới; tiếp tục phát động phong trào sáng kiến cải tiến và dành ngân sách cho đầu tư, áp dụng những công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; đa dạng hóa sản phẩm nhanh...

Công ty cũng sẽ đổi mới về phương pháp quản lý, phương án kinh doanh, kỹ thuật, công nghệ, tăng cường hợp tác cả bên trong lẫn bên ngoài; tiếp tục đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ duy trì các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Đối mặt với những biến động về giá, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Cà phê An Thái Nguyễn Xuân Lợi cho rằng, các DN cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh không quá chênh lệch với năng lực thực tế. Quan trọng hơn, cần có quỹ rủi ro của DN, đồng thời huy động thêm vốn và tăng cường thông tin trao đổi với khách hàng để ổn định giá cả ở cả đầu vào và đầu ra.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.