Multimedia Đọc Báo in

Không chấp nhận "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

08:36, 28/03/2024

Kiên quyết không chấp nhận "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định như vậy tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024) với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh" được tổ chức ngày 19/3 vừa qua.

Mặc dù xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Năm 2023, thu hút FDI của nước ta đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%; Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng hai bậc so với năm 2022 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, đứng 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Hai tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD. 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng ấy, theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ: Chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Đỗ Lan

Cũng tại hội nghị trên, quan điểm kiên quyết không chấp nhận "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau" được minh chứng bằng quyết tâm khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững. Phải thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.

Kiểm chứng trên thực tiễn, tinh thần, quyết tâm “tăng trưởng xanh” đã và đang được hiện thực hóa với việc Việt Nam tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… Đồng thời ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…

Thêm nữa, với ba đột phá chiến lược tập trung đẩy mạnh là đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; đột phá về nhân lực, càng cho thấy thông điệp về tinh thần và quyết tâm “tăng trưởng xanh” của Việt Nam. Đó cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn để phát triển bền vững khi nước ta là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.