Những thanh niên vùng sâu vượt khó làm kinh tế
Với khát vọng, nhiệt huyết, sáng tạo, nhiều thanh niên ở vùng sâu, vùng xa Krông Bông đã nỗ lực khắc phục khó khăn, năng động, mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế.
Năm 2018, vợ chồng anh Nguyễn Vũ Miên (SN 1989, ở buôn Tơng Rang B, xã Cư Drăm) được cha mẹ cho tách hộ. Những ngày đầu ra ở riêng, anh luôn trăn trở, băn khoăn về hướng phát triển kinh tế. Sau khi nghiên cứu, anh Miên xác định thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ngoài diện tích trồng cây lương thực, gia đình anh trồng được 1 ha cà phê và 2 ha dứa… Những lúc nông nhàn, anh dành thời gian đào ao nuôi cá, tuy nhiên, việc nuôi cá không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Anh Nguyễn Vũ Miên với mô hình nuôi ốc nhồi. |
Tháng 8/2023, qua tìm hiểu trên mạng Internet, anh Miên biết đến ốc nhồi, một vật nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương, thức ăn cho ốc đa dạng, có thể sử dụng cả những loại rau, củ phế phẩm. Anh quyết định nạo vét, vệ sinh lại ao cá để nuôi ốc. Anh đến Hợp tác xã Hợp Nhất ở huyện Ea Kar mua 1 kg trứng ốc về ấp lấy con nuôi thử nghiệm. Đến nay sau 7 tháng, số ốc nhồi của gia đình anh sinh trưởng khá tốt, trọng lượng đạt bình quân 25 con/kg, với giá bán hiện tại là 60.000 đồng/kg, hứa hẹn mang về cho gia đình anh một nguồn thu khá.
Anh Miên còn đầu tư nuôi 16 con dê bách thảo cũng là vật nuôi đầu tư ít, hiệu quả cao, lại rộng thị trường tiêu thụ; ngoài ra anh còn trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, chỉ tính riêng trồng trọt, bình quân mỗi năm gia đình anh có thu nhập 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí…
Sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, ngày xuất ngũ về địa phương, anh Ai Phương (24 tuổi, dân tộc Vân Kiều, ở thôn 2, xã Hòa Phong) được hỗ trợ số tiền 26 triệu đồng. Đây là một khoản tiền tương đối lớn đối với một gia đình nghèo như nhà anh. Một phần Ai Phương đưa cho cha mẹ trả nợ chi phí sản xuất, số còn lại anh mua 1 con bò cái và 2 con heo trị giá gần 15 triệu đồng về nuôi; đồng thời, anh trồng thêm 1 sào cỏ để làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, Ai Phương còn đầu tư chăm sóc 5 sào cà phê, 5 sào điều, đắp bờ giữ nước tưới cho 4 sào ruộng nước… Thời gian rảnh rỗi, anh và vợ lại đến các địa phương lân cận thu hoạch nông sản thuê cho người dân để có thêm thu nhập. Với bản tính cần cù, chất phác, đến nay Ai Phương đã mua sắm được phương tiện đi lại, hỗ trợ thêm tiền cho cha mẹ xây dựng nhà cửa…
Anh Ai Phương từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi. |
Còn anh Lê Quang Mạnh (SN 1990, ở thôn 11, xã Hòa Lễ) thì được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến là một chủ trang trại dúi hoạt bát. Anh Mạnh chia sẻ: Ước mơ có một trang trại nuôi dúi đã được anh ấp ủ từ lâu bởi đây là con vật nuôi “ngủ ngày, ăn đêm”, thức ăn đơn giản có sẵn ở địa phương… Vì thế, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Ban đầu anh đầu tư 9 triệu đồng mua 10 cặp dúi giống nuôi thử nghiệm, tuy nhiên do mua phải dúi kém chất lượng, chỉ một thời gian ngắn đàn dúi chết dần. Không nản lòng, anh Mạnh tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của những người từng nuôi dúi và tìm hiểu tập tính, khả năng thích nghi cũng như cách chăm sóc dúi để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Nhờ vậy, đàn dúi của anh ngày càng phát triển. Hiện tại, trang trại của anh luôn có trên 200 cặp dúi giống và dúi thương phẩm trị giá gần 500 triệu đồng, cung cấp cho khách hàng cả trong và ngoài tỉnh.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc