Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (4)
II. Các sở, ban, ngành, địa phương trả lời
1. Cử tri huyện Krông Bông kiến nghị: Hiện nay, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Krông Nô phía hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah vẫn còn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân như: Địa hình, địa chất, tình trạng khai thác cát, thay đổi mực nước sông trong mùa khô theo chế độ vận hành của thủy điện Buôn Tua Srah. Đề nghị tỉnh Đắk Lắk phối hợp với tỉnh Đắk Nông tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô; tạm dừng cấp phép khai thác cát ở các khu vực, đoạn sông bị sạt lở theo Điều 15 Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trả lời: Về công tác phối hợp: Nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, thời gian qua UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện, cụ thể hai tỉnh đã ban hành Quy chế số 01/QCPH-UBND, ngày 9/12/2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Đắk Nông về việc phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; Quy chế phối hợp số 430/QCPH-UBND, ngày 28/3/2018 giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Đắk Nông về việc điều chỉnh Quy chế 01/CQPH-UBND. Theo đó, UBND hai tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô cũng như trên tất cả các sông trên địa bàn tỉnh.
Về dừng cấp phép khai thác cát tại khu vực sạt lở: Triển khai Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 673/QĐ-UBND, ngày 28/3/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quy chế phối hợp số 430/QCPH-UBND, ngày 28/3/2018 giữa UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Đắk Nông, UBND hai tỉnh đã thống nhất không cấp giấy cấp phép khai thác cát mới trên các đoạn sông bị sạt lở.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Khoản 2 Điều 31 Nghị định 23/2020/NĐCP, ngày 24/2/2020 của Chính phủ; Điều 15, Điều 16 Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND, ngày 10/1/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk quy định: UBND cấp huyện có trách nhiệm: Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính; Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật; Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định của Chính phủ và các nhiệm vụ sau đây: Phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác cát, sỏi trái phép; thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các xã thuộc các địa phương khác trong khu vực giáp ranh; Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ngay sau khi phát hiện; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật; Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND cấp huyện về quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị cử tri huyện Krông Bông nếu phát hiện việc hút cát hoặc các hoạt động khác làm sạt lở bờ sông thì phản ánh kịp thời cho UBND cấp xã (nơi xảy ra sạt lở bờ sông), UBND huyện Krông Bông để chỉ đạo kiểm tra xử lý theo thẩm quyền.
Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được quan tâm, triển khai thực hiện. Trong ảnh: Thi công đường từ Ngã ba Quảng Đại (xã Ea Rốk) đi xã biên giới Ia Rvê. |
2. Cử tri xã Ia Rvê (huyện Ea Súp) kiến nghị: Việc thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2017 – 2020; Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 của Quốc hội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Đề nghị tỉnh quan tâm triển khai sớm, đồng bộ nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương, trên địa bàn xã Ia Rvê (huyện Ea Súp).
Ban Dân tộc trả lời: Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 đến nay đã hết thời gian thực hiện. Hiện nay, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) được thực hiện theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719); các chính sách hực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững được thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, Ban Dân tộc (cơ quan chủ trì Chương trình 1719) đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình 1719 cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn quy định tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND, ngày 20/7/2022.
Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2024, huyện Ea Súp đều được phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình 1719. Trên cơ sở kinh phí được UBND tỉnh giao giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) và hằng năm, việc rà soát, xác định địa bàn, đối tượng thụ hưởng, nội dung thực hiện các chính sách thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của UBND huyện Ea Súp.
Vì vậy, Ban Dân tộc đề nghị UBND huyện Ea Súp căn cứ tình hình thực tế của xã Ia Rvê, chủ động rà soát, lựa chọn các nội dung, hoạt động đầu tư/hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng các chương trình MTQG theo đúng quy định và phù hợp với nguyện vọng của người dân; đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; đồng thời chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách huyện, lồng ghép với nguồn vốn chương trình MTQG và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo trên địa bàn xã Ia Rvê.
Lan Anh (tổng hợp)
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc