Phát triển nghề trồng nấm ở Quảng Điền
Nấm là một trong những loại thực phẩm sạch, an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao nên loại nông sản này bán khá được giá trên thị trường. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ nấm tương đối lớn, nhiều hộ dân tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) đã phát triển mô hình trồng nấm để tạo việc làm, tăng thu nhập.
Năm 2017 ông Phan Phước Thành (thôn 1) quyết định vay vốn để đầu tư trồng nấm. Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông Thành tích cực tìm hiểu cách thức trồng nấm thông qua mạng Internet, báo đài và từ các trại nấm tại địa phương. Hiện nay, ông Thành đã đầu tư mở rộng 7 trại trồng nấm, thu về lợi nhuận cho gia đình hơn 20 triệu đồng/tháng.
Theo ông Thành, để làm ra sản phẩm nấm sạch, người trồng nấm phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, an toàn từ khâu đầu vào là phôi nấm đến cách chăm sóc, sử dụng nước tưới, vệ sinh trại và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích tăng trưởng. “Quy trình làm nấm không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận. Đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, phải chọn nguyên liệu kỹ càng, sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Thành chia sẻ.
Chị Đoàn Thị Lan chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nấm tại gia đình. |
Có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng nấm, hiện gia đình chị Đoàn Thị Lan (thôn 3) đang sở hữu cơ sở trồng nấm các loại (nấm mèo, bào ngư, sò) rộng hơn 2.000 m2 được thiết kế, quy hoạch bài bản, bảo đảm nhiệt độ, ánh sáng tự nhiên cho nấm sinh trưởng và phát triển. Cơ sở của chị đưa ra thị trường mỗi tháng hơn 2 tấn nấm tươi; giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động địa phương, với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản phẩm nấm bào ngư của gia đình đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và bán tại nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
Chị Lan cho biết, xu hướng của khách hàng hiện nay là sản phẩm phải sạch, an toàn, giá cả phải chăng. Do đó, chị mong muốn có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư làm nhà lạnh, ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản lâu ngày, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật làm nấm cho các hộ dân có nhu cầu, để cùng nhau phát triển kinh tế, tạo được nguồn nấm sạch cung ứng cho thị trường.
Ông Châu Thành Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền khẳng định, phát triển nghề trồng nấm ở địa phương có rất nhiều thuận lợi như khí hậu phù hợp với việc trồng các loại nấm phát triển quanh năm; nguồn nguyên liệu và lao động sẵn có; vốn đầu tư ít, kỹ thuật trồng không phức tạp; hiệu quả kinh tế lại khá cao so với đầu tư một số loại cây trồng khác.
Cán bộ các phòng, ban huyện Krông Ana khảo sát các mô hình trồng nấm tại xã Quảng Điền. |
Hiện nay trên địa bàn xã Quảng Điền có khoảng 112 hộ trồng nấm với 489 trại nấm các loại. Đa số các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt “cung vượt cầu”, đặc biệt là bảo đảm đầu ra bền vững, Hội Nông dân xã đang phối hợp vận động, khuyến khích các hộ trồng nấm cùng liên kết sản xuất; tạo điều kiện cho các hộ tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ nông sản tại địa phương. Đồng thời, liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ. Qua đó, đưa nghề trồng nấm phát triển bền vững, trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Anh Phương
Ý kiến bạn đọc