Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập

08:32, 06/12/2024

Xây dựng, quản lý mã số vùng trồng; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng là những giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp bền vững.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HOÀI DƯƠNG, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chung quanh vấn đề này.

 

* Thưa ông, phát triển nông nghiệp bền vững là gì? Xin ông cho biết định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh thời gian tới?

Nông nghiệp bền vững hiểu đầy đủ, toàn diện là các sản phẩm của ngành nông nghiệp phải bảo đảm năng suất, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, được thị trường luôn luôn đón nhận. Vì vậy cơ cấu của các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp cần hài hòa, ổn định và góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Đây là những yếu tố cơ bản để bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết tổng thể rất nhiều vấn đề.

Người dân xã Chứ Kbô, huyện Krông Búk chăm sóc sầu riêng.
Người dân xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) chăm sóc sầu riêng.

Thời gian qua, những chương trình, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định khá rõ ràng hướng đi, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

Cụ thể, cần khắc phục hạn chế cố hữu trong nền sản xuất của chúng ta từ trước đến nay là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang liên kết hợp tác theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tổ chức sản xuất tập trung để ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng tốt, có chứng nhận để tạo sự minh bạch, công khai khi đưa ra thị trường.

Vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể. Đây là xu hướng chung của quốc tế với mục đích cùng nhau hợp tác sản xuất, bình đẳng, có tiếng nói như nhau để cùng có lợi. Đồng thời, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đưa các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh đến các thị trường tiềm năng.

* Để phát triển nông nghiệp bền vững, giải pháp quan trọng hàng đầu là thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của nông dân. Vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn như thế nào, thưa ông?

Nông dân luôn được xác định đóng vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy, nhận thức từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất những gì mình có qua sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Nông dân phải liên kết, hợp tác tạo ra vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm ưu thế, đặc trưng của địa phương mình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tập huấn, phát triển hợp tác xã, xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận với sản phẩm nông sản, xây dựng mã vùng trồng cho nông dân, hợp tác xã. Dựa trên những chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, người nông dân cần chủ động thay đổi, tự mình vươn lên trong phát triển nông nghiệp, tạo ra giá trị khác biệt.

* Thời gian gần đây, sầu riêng đã nổi lên là một trong những nông sản có giá trị cao của tỉnh. Để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, nông dân phải sản xuất bảo đảm chất lượng, có mã vùng trồng. Theo ông để phát huy hết giá trị mã vùng trồng sầu riêng thì cần có giải pháp gì?

Xây dựng mã vùng trồng là xu thế tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh khi đưa ra thị trường. Thời gian qua việc triển khai xây dựng mã vùng trồng cho sầu riêng gặp nhiều khó khăn do sầu riêng có mã vùng trồng và chưa có mã vùng trồng có giá thu mua như nhau. Tuy đây là vấn đề đang tồn tại nhưng không phổ biến. Thực chất những nơi có mã vùng trồng luôn được quan tâm và có nhiều liên kết hợp tác, hợp đồng thu mua ổn định.

Có thể trong một số thời điểm nhất định, các thương lái, doanh nghiệp cần lượng thu mua lớn để cung ứng xuất khẩu, tiêu thụ trong nước, họ chấp nhận mua sầu riêng với giá như nhau nhưng về lâu dài chắc chắn những vùng sản xuất có mã vùng trồng sẽ có giá trị cao hơn. Quan trọng hơn, mã vùng trồng là cơ sở để người dân xây dựng các chứng nhận, thương hiệu đối với vùng sản xuất, bảo đảm công khai, minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Do đó đây chỉ là vấn đề nhất thời, người dân cần ý thức được xu thế tiêu dùng và yêu cầu của thị trường hiện nay để kiên định xây dựng, duy trì mã vùng trồng theo tiêu chuẩn đề ra.

Bên cạnh đó, để bảo đảm sự cạnh tranh, công bằng cho vùng có và không có mã vùng trồng thì các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, ngăn chặn xử lý tình trạng gian lận giữa các sản phẩm có mã và không có mã. Tăng cường khuyến cáo các tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao ý thức của nông dân trong quá trình sản xuất. Nông dân phải có ý thức bảo vệ mã vùng trồng, ngăn ngừa đưa sản phẩm ngoài vùng trồng vào sử dụng mã vùng trồng. Đây là những giải pháp để xây dựng ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, ổn định, minh bạch.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc