Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản
Để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, việc khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và khoáng sản nói riêng cần được các địa phương ưu tiên.
Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật này đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khoáng sản. Bên cạnh đó, với quy định phân cấp, các địa phương sẽ xây dựng những kế hoạch phát triển ngành khoáng sản bền vững, đưa ra những chiến lược khai thác hợp lý và khoa học. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các dự án khai thác, từ đó ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi khai thác không đúng quy định.
![]() |
Chế biến đá xây dựng tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 để kịp thời triển khai trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin, quy định về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát trong quản lý khai thác cát trên sông nhằm giúp cơ quan chuyên môn của tỉnh quản lý chặt chẽ, khoa học, chính xác, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. |
Để khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề ra giải pháp trong thời gian tới là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là các hành vi: không lắp đặt camera giám sát, trạm cân, gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế, khai thác gây tổn thất khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép.
Đồng thời, tổ chức ra quân thực hiện việc xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi); rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định. Xử lý nghiêm các đơn vị có dấu hiệu găm hàng tạo sự khan hiếm vật liệu xây dựng trên thị trường để trục lợi.
Tỉnh cũng nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, san gạt, cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép. Cùng với đó, rà soát, đề xuất xử lý dứt điểm và kiên quyết thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư đối với các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chậm triển khai, vi phạm tiến độ đầu tư. Tăng cường công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo sự công bằng về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước cho tất cả các thành phần kinh tế.
![]() |
Một đoạn sông Krông Nô bị sạt lở do khai thác cát. |
Trong đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp trong việc quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, nhất là quy chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành tài nguyên và môi trường, thuế, công an và các địa phương. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về việc lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế, cập nhật thông tin số liệu, lưu trữ đầy đủ thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản.
Yên Xuân
Ý kiến bạn đọc