Để rừng và kinh tế vùng Tây Nguyên cùng hướng đến mục tiêu phát triển xanh
Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Tây Nguyên được xem là nhiệm vụ quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, cần có cơ chế mở để những chủ trương, chính sách về phát triển rừng thực sự trở thành động lực trong phát triển KT-XH ở Tây Nguyên.
Hướng đến phát triển hài hòa
Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống KT-XH của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng. Chính vì vậy, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng.
Như đã nói, rừng của các tỉnh Tây Nguyên đang chiếm 17,5% tổng diện tích có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,94%. Nhờ rừng mà khu vực này trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn.
Chế biến gỗ rừng trồng ở huyện M'Drắk. Ảnh: Vạn Tiếp |
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Ngoài tài nguyên rừng thì Tây Nguyên còn có cả đất đai rộng lớn, màu mỡ, đặc biệt là ở các khu vực lâm trường. Chính vì vậy, phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên cũng có những sức ép nhất định đến tài nguyên rừng, khi chuyển đổi từ diện tích rừng sang canh tác nông nghiệp khác. Hiện nay, Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, đề án khôi phục và bảo vệ rừng Tây Nguyên. Ngoài ra, chính sách khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã tạo nguồn thu nhập và sinh kế cho người dân; đời sống của người dân từng bước được cải thiện; góp phần làm giảm số hộ nghèo và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm.
Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá: Thời gian qua Đảng và Chính phủ đã đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và phát triển sản xuất lâm nghiệp. Nhờ đó, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm cả số vụ và mức độ thiệt hại ở giai đoạn sau so với giai đoạn trước; diện tích, cơ cấu và chất lượng ba loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường; góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững.
Cần sự đổi mới từ chính sách
Thực tế cho thấy, dù có nhiều nghị quyết, chỉ thị nhưng chủ trương, chính sách về phát triển rừng vẫn chưa thực sự trở thành động lực để phát triển KT-XH mà với hiện trạng như hiện nay thì rừng đang là gánh nặng cho địa phương và cho cả người dân vùng Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, cơ chế chính sách hiện nay vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, do đó chưa có sức hút để kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào và đặc biệt là chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản về giao khoán, bảo vệ rừng để người dân sống gần rừng có thể sống được bằng thu nhập từ rừng. “Các mô hình trong phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, nông lâm kết hợp và gắn với ổn định đời sống, tạo sinh kế cho đồng bào đang mới thí điểm ở một số nơi, một số vùng và để nó có trở thành hiện thực phát triển rộng rãi ở cả vùng Tây Nguyên thì tôi cho rằng rất cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phù hợp”, ông Dương nhấn mạnh.
Cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô kiểm tra rừng vào mùa khô. Ảnh: Minh Minh |
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, để rừng Tây Nguyên phát huy được vai trò và thế mạnh trong phát triển kinh tế cũng như trở thành “lá phổi xanh” của cả nước thì cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, khắc phục những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017. Đồng thời thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nghiên cứu thiết kế các nội dung về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Cùng với đó, cần có quy định, hướng dẫn chi tiết để mở rộng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi và các cơ chế, chính sách để thực thi những thỏa thuận về trao đổi kết quả giảm phát thải giữa các đối tác với địa phương; rà soát, bổ sung chính sách mới hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng…
Bên cạnh đó, cần khai thác tiềm năng Tây Nguyên dựa trên bốn trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên.
Minh Thuận – Minh Chi
Ý kiến bạn đọc