Những chiếc sọt rác trong rừng...
Trong chuyến dã ngoại đến thác Bìm Bịp (xã Yang Tao, huyện Lắk), cùng với trải nghiệm với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, tôi đặc biệt ấn tượng với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan ở đây.
Thác Bìm Bịp là di tích thắng cảnh quốc gia, nhưng do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên nhiều năm qua chưa được khai thác và đưa vào hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là khách du lịch tự khám phá, trải nghiệm. Thác nằm trong khu vực rừng nguyên sinh thuộc sự quản lý của Chốt quản lý, bảo vệ rừng - Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk nên công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được đơn vị đặc biệt chú trọng.
Từ chân thác, chúng tôi trải qua nhiều chặng trèo núi chui rừng, ngược dòng về phía thượng nguồn trên đỉnh Chư Yang Sin hùng vĩ. Trên từng chặng đều có thể dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng gắn trên thân cây ở vị trí dễ thấy nhất với những lời nhắc nhở ngắn gọn, dễ hiểu: “Hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước cho buôn làng”, “Không tổ chức ăn nhậu và vứt rác trong khu vực suối”. Hình ảnh đáng chú ý hơn cả là những chiếc sọt đựng rác nằm rải các nơi trong khu vực thác, được neo chắc chắn, gọn bên gốc cây hay hốc đá tùy địa hình, chủ yếu ở gần những bãi đá bằng dưới chân mỗi tầng thác, nơi du khách hay tụ tập vui chơi.
Sọt đựng rác được đặt trong rừng ở khu vực thác Bìm Bịp. |
Qua tìm hiểu được biết thùng rác đan bằng vật liệu thiên nhiên tại chỗ, chi phí không lớn, nhưng mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên. Khoảng cách giữa các tầng thác không lớn, nhưng di chuyển khá mất công sức, thời gian vì địa hình hiểm trở nên sọt rác đặt ở những vị trí này vừa thuận tiện cho du khách bỏ rác, vừa tiện cho đơn vị quản lý khu rừng trong việc thu gom rác đưa đi xử lý theo quy định.
Trong thực tế, thời gian gần đây, xu hướng dã ngoại về với thiên nhiên, khám phá những dòng thác, cánh rừng hoang sơ được nhiều người lựa chọn. Do nhiều nơi chưa được đầu tư, khai thác để đưa vào kinh doanh du lịch nên hầu như du khách đi theo kiểu tự phát. Bên cạnh những mặt tích cực trong việc trải nghiệm, quảng bá điểm đến thì cũng nảy sinh những mặt hạn chế, mà rõ nhất là làm biến đổi cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Khi vào rừng dã ngoại, có nhóm du khách vô tư chặt bẻ cây cối dựng lều tránh nắng, gom cành lá khô đốt lửa nướng thức ăn, hoặc đơn thuần chỉ để giải trí, mà không hề nghĩ đến nguy cơ có thể làm tổn hại thảm thực vật nguyên sinh, hoặc cháy rừng. Có nhóm khách đơn giản hơn, chỉ mang theo thức ăn chế biến sẵn, vật dụng thông thường để sử dụng, nhưng đến khi về, họ “hào phóng” để lại hết cho rừng những thứ không còn sử dụng hoặc không cần thiết thì tiện đâu vứt đó; cũng có những nhóm khách có ý thức thu gom rác lại một chỗ nhưng không tìm được thùng rác, nên đành “ném tạm” đâu đó trong rừng, cứ như vậy dần dần biến những cánh rừng, bờ suối hoang sơ thành những "thùng rác" lộ thiên do con người xả thải. Đến một số điểm du lịch tự phát nơi ghềnh thác, sông suối trên địa bàn tỉnh có thể thấy rõ điều đó, nhiều nhất là túi nilon, bao bì, chai nhựa vứt bừa bãi dọc đường mòn, lối nghỉ, hay trên mặt nước...
Cùng với những bảng quy định, lời nhắc nhở, việc đặt sọt đựng rác nơi thuận tiện cho du khách bỏ rác của đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đã tác động tích cực đến ý thức của nhiều người, tạo thói quen cho du khách bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Đó là hành động thiết thực thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, giữ cho cảnh quan, môi trường được nguyên sơ, trong lành – yếu tố hết sức cần thiết cho phát triển du lịch sinh thái đang được xem là một trong những thế mạnh của du lịch địa phương.
Lê Trung
Ý kiến bạn đọc