Multimedia Đọc Báo in

Giữ "dáng dấp" xanh cho Buôn Ma Thuột

07:57, 07/02/2023

Được nhắc đến với những mỹ từ như “thành phố xanh”, “thành phố trong lành”..., TP. Buôn Ma Thuột gây ấn tượng trong lòng du khách và bạn bè muôn phương không chỉ với sản phẩm cà phê đặc trưng mà còn bởi “ngàn xanh” hội tụ trong lòng thành phố.

"Dáng dấp" xanh

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, đến hết năm 2022, tỷ lệ cây xanh nội thành Buôn Ma Thuột đã đạt 8,23 m2/người và toàn thành phố là 17,21 m2/người.

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đối với thành phố loại I trực thuộc tỉnh (tương đương TP. Buôn Ma Thuột), chỉ tiêu chuẩn về đất cây xanh toàn đô thị đạt 10 m2/người và chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt 6 m2/người.

Để xây dựng được thành phố xanh như ngày nay, suốt nhiều thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh và thành phố đã luôn chú trọng công tác quy hoạch phát triển cây xanh một cách bài bản.

Đến nay, tầm nhìn ấy đang tiếp tục được phát huy để xây dựng Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị sinh thái, bản sắc và hiện đại theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hàng cây đẹp mắt trên đường Phan Đình Giót (TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để xây dựng, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột mang bản sắc riêng, duy trì tỷ lệ diện tích cây xanh cao, thời gian qua Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo và đưa vào kế hoạch thực hiện đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 các công trình hoa viên, công viên trên địa bàn, chủ yếu tập trung các loại cây bản địa, như: sao, giáng hương, cẩm lai hoặc cây kơ nia.

Ngoài ra, trong quá trình đầu tư các khu dân cư mới đều yêu cầu phải triển khai đồng bộ về hệ thống hoa viên, tiểu hoa viên, cây xanh phục vụ cho nhân dân trong khu vực.

Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng thành phố ngày càng "xanh – sạch – đẹp – bản sắc" thì UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tham mưu trình HĐND thành phố phê duyệt Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 29/12/2021 về Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, với tổng số 14 dự án hoa viên, công viên, tiểu hoa viên, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cây xanh đường phố…

Hiện nay, thành phố đã đầu tư hoàn thiện 6 dự án (hoa viên khu dân cư Km4 – Km5, phường Tân An (1,4 ha); mở rộng hoa viên đường Trần Hữu Dực (0,067 ha); hoa viên khu dân cư Tân An (0,27 ha); hoa viên khu dân cư đường Lê Vụ (0,22 ha); tiểu hoa viên cây xanh điểm dân cư trung tâm khu dân cư Km4 – Km5, phường Tân An (0,51 ha); tiểu hoa viên tại khu đất góc đường Ngô Gia Tự - Tôn Đức Thắng (0,55 ha)); đang triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo công viên Buôn Ma Thuột (2,04 ha) và chuẩn bị đầu tư 7 dự án.

Một đoạn đường rợp bóng cây xanh trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột).

Mỗi người trồng một cây xanh

 

Theo kế hoạch trồng rừng và trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, cây xanh được trồng tại khu vực đô thị gồm 495.540 cây, chiếm khoảng 484 ha. Trong đó, TP. Buôn Ma Thuột dự kiến trồng 37.530 cây, chiếm khoảng 8% tổng số cây trồng trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đến cuối nhiệm kỳ sẽ nâng lên 9 m2/người.

Theo đánh giá của UBND TP. Buôn Ma Thuột thì đây là nhiệm vụ không hề dễ vì dân số ngày càng tăng trong khi quỹ đất công cộng và ngân sách hạn hẹp. Tuy nhiên thành phố vẫn quyết tâm thực hiện với những chương trình, định hướng cụ thể.

Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng rà soát toàn diện những đồ án quy hoạch được duyệt triển khai đầu tư diện tích đất cây xanh và tiếp tục bổ sung hằng năm đáp ứng chỉ tiêu cây xanh trên địa bàn, thành phố còn huy động cán bộ, công nhân viên chức thực hiện ngày "Tết trồng cây", ít nhất mỗi người trồng một cây xanh.

Bên cạnh đó, khi đầu tư cơ sở hạ tầng mở rộng đô thị, thành phố đều đầu tư các hoa viên, công viên với toàn bộ diện tích đất cây xanh theo quy hoạch đồng bộ.

Hướng đến mục tiêu phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại I trung tâm vùng Tây Nguyên; thành phố cà phê thế giới; đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề cương nhiệm vụ đề án.

Nhiều hoa viên, công viên được xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đối với TP. Buôn Ma Thuột, để giữ được "dáng dấp" xanh, trong năm 2023, thành phố sẽ tập trung triển khai công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2045, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (trong đó có tích hợp các giải pháp quy hoạch đô thị xanh, thông minh và chống biến đổi khí hậu) để làm cơ sở lập các dự án đầu tư (hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa các lĩnh vực theo quy định) theo quy hoạch được duyệt.

Thành phố cũng sẽ tập trung, rà soát xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng khung (giao thông, điện, cấp (thoát) nước, thông tin liên lạc…) theo quy hoạch được duyệt và phù hợp với tình hình thực tế quản lý phát triển đô thị hiện nay để tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, vốn vay, vốn của các tổ chức doanh nghiệp.

Đặc biệt là phối hợp với nhà đầu tư của các dự án đã được cơ quan thẩm quyền chấp thuận nhằm tạo mọi thuận lợi để triển khai và hoàn thiện, đảm bảo tiến độ hoàn thành sớm các dự án trên địa bàn...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.