Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

07:42, 27/08/2023

Để đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả giúp bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nâng cao nhận thức của người dân.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG VĂN SAN, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Hoàng Văn San.

* Ông đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thông tin, tập huấn phổ biến pháp luật đến các cấp ngành, địa phương với nhiều hình thức phong phú nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng ngay từ lúc lập dự án đầu tư, rà soát loại bỏ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm tiêu chí bảo vệ môi trường ngay từ khâu thẩm định, triển khai vận hành dự án đầu tư. Nhờ đó các chủ dự án, cơ sở kinh doanh ngày càng quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Công tác kiểm soát hoạt động xả thải đối với các đối tượng có phát sinh nước thải, khí thải công nghiệp, lưu lượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ngày càng được tăng cường. Các biện pháp xử lý ô nhiễm ngày càng triệt để theo quy định, đến nay có 34/35 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở các khu, cụm dân cư cũng có những chuyển biến tích cực.

* Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm như thế nào trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn? Việc phân loại rác thải có tác dụng như thế nào, thưa ông?

Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định. Đồng thời trả chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Lãnh đạo huyện Krông Búk trồng cây xanh nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6.

Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải; chất thải thực phẩm gồm thức ăn thừa, các loại rau, củ, quả, trái cây; chất thải rắn sinh hoạt khác bao gồm tất cả các loại không nêu ở trên được cho chung vào một bao bì.

Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế, chất thải hữu cơ (bằng cách bán các nguyên, phế liệu có thể tái chế được, tận dụng các nguyên liệu hữu cơ sản xuất phân bón vi sinh); đặc biệt là giảm thiểu tổng lượng rác thải ra môi trường, giúp tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Qua đó nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là ở trẻ nhỏ.

* Một vấn đề mà nhiều người dân quan tâm đó là những đối tượng nào phải có Giấy phép môi trường và Giấy phép môi trường có thời hạn bao lâu, thưa ông?

Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, pháp luật có quy định về Giấy phép môi trường đối với một số hoạt động gây tác hại xấu cho môi trường.

Theo Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, đối tượng phải có Giấy phép môi trường bao gồm: Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức. Trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn Giấy phép môi trường. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39.

Thời hạn của Giấy phép môi trường được quy định như sau: 7 năm đối với dự án đầu tư nhóm I; 7 năm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như dự án đầu tư nhóm I; 10 năm đối với đối tượng không thuộc hai trường hợp trên.

Thời hạn của Giấy phép môi trường có thể ngắn hơn thời hạn nêu trên theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.