Multimedia Đọc Báo in

Từ một quyết định cưỡng chế thi hành án

08:12, 29/12/2022

Báo Đắk Lắk nhận được đơn của bà Phạm Thị Vân (SN 1970, trú thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) phản ánh về việc Thi hành án dân sự (THADS) huyện Krông Pắc (nay là Chi cục THADS huyện Krông Pắc) xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp về nhà ở, đất ở, khiến bà và hai người con gái bị ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp từ năm 2008 cho đến nay.

Trắng tay vì bị cưỡng chế thi hành án

Theo trình bày của bà Vân: Năm 1996, bà kết hôn cùng ông Nguyễn Tất Thắng (thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) và có hai người con (SN 1996 và 1999). Vợ chồng bà được gia đình cho một lô đất có diện tích 123,5 m2 tại thôn 19/5, xã Ea Yông và đã được UBND huyện Krông Pắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AB 451641 vào ngày 14/4/2005. Trên thửa đất này, vợ chồng bà đã xây dựng một căn nhà cấp 4 với diện tích 87,36 m2.

Do mâu thuẫn nên năm 2008, ông Thắng và bà Vân thuận tình ly hôn. Tại Quyết định số 69/2008, ngày 22/12/2008 của TAND huyện Krông Pắc đã công nhận việc thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, bà Vân trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng hai người con; ông Thắng đóng góp phí tổn nuôi người con thứ hai mỗi tháng 600.000 đồng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi. Bà Vân phải trả khoản nợ chung là 1 tấn cà phê nhân xô cho ông Đỗ Xuân Thùy (trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc); trả 50 triệu đồng và lãi suất phát sinh cho Quỹ tín dụng nhân dân Ea Yông; trả 200 triệu đồng tiền giá trị chênh lệch chia tài sản cho ông Thắng (hạn trả là vào ngày 16/1/2009). Bà Vân được sở hữu căn nhà và số tài sản trên lô đất với trị giá 500 triệu đồng.

Thi hành Quyết định số 69, bà Vân đã trả ông Thùy 1 tấn cà phê nhân; trả Quỹ Tín dụng nhân dân Ea Yông 50 triệu đồng và tiền lãi. Tuy nhiên, bà Vân chưa trả số tiền 200 triệu đồng cho ông Thắng nên ngày 22/2/2009, ông Thắng có đơn yêu cầu thi hành án (trong đơn ông Thắng gửi Thi hành án lại đề ngày 22/12/2009). Ngày 24/2/2009, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Pắc ra Quyết định thi hành án số 71/QĐ-THA-HNGĐ để đưa nội dung Quyết định số 69/2008 ra thi hành. Ngày 24/4/2009, bà Vân trả 20 triệu đồng cho ông Thắng tại Chi cục THADS huyện Krông Pắc. Ngày 20/7/2009, bà Vân có đơn đề nghị được nhận lại GCNQSDĐ số AB 451641 nhưng Chi cục THADS huyện Krông Pắc không đồng ý vì lý do là GCNQSDĐ này đã được ông Thắng mang đến Chi cục THADS huyện giao nộp và áp dụng biện pháp ngăn chặn vào ngày 26/2/2009 để đảm bảo công tác thi hành án. Đến ngày 29/7/2009, chấp hành viên đã ban hành Quyết định kê biên tài sản số 114/QĐ-THA của bà Vân là GCNQSDĐ số AB 451641. Đến ngày 28/4/2010 tài sản kê biên được bán đấu giá thành với giá 501 triệu đồng. Ngày 14/9/2010, chấp hành viên ban hành Quyết định cưỡng chế giao nhà và quyền sử dụng đất số 134/QĐ-THA cưỡng chế chuyển giao tài sản đã kê biên căn nhà 87,36 m2 và lô đất thổ cư 123,5 m2 cho ông Bùi Sỹ Liên (trú TP. Buôn Ma Thuột) là người mua trúng đấu giá.

Do không đồng ý với các quyết định này nên bà Vân không ký vào các biên bản và đã làm đơn khiếu nại. Thay vì giải quyết khiếu nại, đến ngày 28/9/2010, Chi cục THADS huyện Krông Pắc đã tổ chức cưỡng chế đối với bà Vân, khiến mẹ con bà Vân không còn nơi ở. Sau khi giao tài sản cho người mua, Chi cục THADS huyện Krông Pắc đã phân phối tiền thi hành án, chi trả cho ông Thắng và thanh toán các chi phí thi hành án. Số tiền còn lại chi trả cho bà Vân là hơn 270 triệu đồng nhưng bà Vân không nhận nên Chi cục THADS huyện Krông Pắc đã gửi tiết kiệm theo quy định. Đến ngày 5/7/2017, Chi cục THADS huyện Krông Pắc thực hiện sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 404 triệu đồng (hơn 270 triệu đồng tiền gốc và hơn 134 triệu đồng tiền lãi gửi tiết kiệm).

Bà Phạm Thị Vân phải đi ở trọ hơn 12 năm nay vì căn nhà đã bị kê biên tài sản, bán đấu giá.

Bà Vân nghẹn ngào: “Tại thời điểm ông Thắng làm đơn yêu cầu thi hành án thì tôi chưa có tiền để trả, vì đã vay mượn khắp nơi để trả các khoản nợ chung. Còn nợ ông Thắng 180 triệu đồng, khi đã xoay sở được số tiền 130 triệu đồng, tôi đã đề nghị trừ khoản tiền phí tổn nuôi dưỡng con thứ hai mà ông Thắng phải có trách nhiệm theo quyết định của tòa (bằng hình thức trả tiền 1 lần) là 50 triệu đồng nhưng không được chấp nhận. Tôi có đơn đề nghị Chi cục Thi hành án huyện trả lại GCNQSDĐ để thế chấp lấy tiền trả cho ông Thắng nhưng thi hành án huyện khước từ. Chính vì vậy mà mẹ con tôi bị mất nhà, mất đất, phải đi ở nhờ, ở trọ từ đó cho đến nay...”.

Nhiều vấn đề cần được làm rõ

 

Sự việc xảy ra từ năm 2008 cho đến nay nhưng công dân cho rằng chưa giải quyết thỏa đáng, khiến tình trạng đơn thư kéo dài, liên tục.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã nhiều lần liên hệ Chi cục THADS huyện Krông Pắc để tìm hiểu sự việc nhưng không được cung cấp thông tin với lý do "vướng quy định của ngành"(!?). Mãi đến ngày 14/12/2022, Cục THADS tỉnh mới có văn bản số 957/CTHDS-VP do ông Bùi Công Mười, Phó Cục trưởng ký cung cấp thông tin sự việc. Theo đó, Cục THADS tỉnh khẳng định việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên Chi cục THADS huyện Krông Pắc là hoàn toàn tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục. Trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS đã đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng dân chủ; luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật đối với công dân. Bà Vân đã chây ỳ, dây dưa, cố tình trì hoãn, trốn tránh và chống đối nghĩa vụ thi hành án nên cơ quan THADS phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với việc sung công quỹ số tiền hơn 270 triệu đồng thì từ ngày 29/11/2010 đến ngày 5/5/2017, Chi cục THADS huyện Krông Pắc đã nhiều lần gửi thông báo cho bà Vân đến nhận tiền bán tài sản còn lại và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày không bị kê biên, nhưng bà Vân chỉ đến nhận tài sản không bị kê biên chứ không nhận tiền bán tài sản còn lại. Đến ngày 29/5/2017, Chi cục THADS huyện Krông Pắc đã ban hành quyết định về việc sung công quỹ nhà nước số tiền hơn 404 triệu đồng theo quy định tại khoản 5, Điều 47; Điều 126 Luật THADS. Tại báo cáo số 255/KSTHADS-BC, ngày 16/6/2017 của Viện KSND huyện Krông Pắc có quan điểm là không được sung công quỹ nhà nước đối với số tiền nêu trên và tiếp tục gửi tiết kiệm không kỳ hạn; đồng thời xin ý kiến thỉnh thị của Viện KSND tỉnh về vụ việc.

Mảnh đất và căn nhà của bà Phạm Thị Vân trước đây đã được bán đấu giá, giao tài sản cho người khác.

Theo Cục THADS tỉnh thì việc nhận đơn yêu cầu thi hành án và ban hành quyết định thi hành án của THADS huyện Krông Pắc là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thi hành án của THADS huyện Krông Pắc vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ. Cụ thể, đơn yêu cầu thi hành án của ông Thắng có sự “nhập nhằng” về ngày tháng, được lý giải là do ông Thắng tự sửa từ tháng 12 thành tháng 2 trước khi nộp đơn cho cơ quan thi hành án!? Như vậy, tại sao đơn yêu cầu đã bị sai về ngày tháng nhưng Chi cục THADS huyện Krông Pắc vẫn nhận đơn, đồng thời ban hành ngay quyết định thi hành án số 71/QĐ-THA-HNGĐ vào ngày 24/2/2009? Bên cạnh đó, theo khoản 2, Điều 88, Luật THADS 2008 thì: Biên bản kê biên phải có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, chấp hành viên và người lập biên bản. Trong khi, bà Vân khẳng định không hề ký vào các biên bản kê biên, nhưng Chi cục THADS huyện Krông Pắc vẫn tiến hành kê biên, cưỡng chế tài sản? 

Tại thời điểm kê biên, bán đấu giá, đất và tài sản gắn liền với đất chưa được sang tên cho bà Vân, GCNQSDĐ vẫn mang tên hộ gia đình (hộ ông Nguyễn Tất Thắng), trong khi đó bà Vân không ký tên đồng ý mà tài sản trên vẫn được bán đấu giá, thì liệu có đúng quy định?

Sự việc xảy ra từ năm 2008 cho đến nay nhưng công dân cho rằng chưa giải quyết thỏa đáng, khiến tình trạng đơn thư kéo dài, liên tục. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý dứt điểm, hài hòa, hợp lý nhằm bảo đảm sự công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.