Multimedia Đọc Báo in

Vay tiền qua app: Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

09:43, 01/08/2021

Vẫn chiêu thức, thủ đoạn đoạn cũ, nhưng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh vẫn sập “bẫy tín dụng đen” khi vay tiền online (vay tiền qua app).

Mấy ngày nay, chị T.T.M. (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) mất ăn mất ngủ khi vướng vào đường dây vay tiền qua app trên mạng Internet. Đầu tháng 6-2021, chị M. cần tiền để giải quyết việc gia đình. Lướt trên mạng thấy có app cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp, chị M. nhấn vào tìm hiểu. Rất nhanh, nhân viên app cho vay liên hệ với chị và tư vấn mức vay 3 triệu đồng trong 1 tuần với lãi suất 400 nghìn đồng. Do cần tiền gấp, lại ngại để chồng biết chuyện, chị M. âm thầm tải app về vay.

App vay tiền online xuất hiện tràn lan trên mạng.

Sau khi cung cấp thông tin cá nhân (địa chỉ, 2 số điện thoại người thân, chứng minh nhân dân…) khoản vay của chị M. đã được giải ngân nhanh chóng mà không cần thế chấp tài sản nào.

Tuy nhiên, số tiền chị M. nhận được chỉ 1,8 triệu đồng chứ không phải 3 triệu đồng như lời tư vấn trước đó. Chị M. thắc mắc thì được người của app cho vay thông báo rằng, tổng số tiền phải trả là 5,5 triệu đồng. Vào thế đã rồi, chị M. đành chấp nhận.

Đến hạn, chị M, chưa gom được tiền trả. Hết người này đến người khác gọi điện yêu cầu khiến chị mất ăn, mất ngủ. Trong lúc mất tinh thần, có người lạ gọi đến nói sẽ giúp chị đáo hạn bằng cách giới thiệu app cho vay mới. Cứ thế chị M. sa chân vào app thứ ba, số nợ lên tới 50 triệu đồng mới biết mình bị lừa.

“Lãi mẹ đẻ lãi con, từ khoản vay 3 triệu đồng, nhưng thực chất chỉ nhận được 1,8 triệu đồng, chưa đầy một tháng đã lên đến 50 triệu đồng. Mình đã trả hơn 17 triệu đồng, hết khả năng trả nhưng người của app cho vay liên tục gọi điện hối thúc. Nếu không trả, họ dọa gọi điện cho người thân, bạn bè, đăng ảnh của mình lên mạng...”, chị M. nói trong ân hận.

Cũng vì vướng vào vòng xoáy vay tiền qua các app trên mạng, ba năm nay, cuộc sống của chị L.T.T.T. (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị đảo lộn.

Chị T. kể, đầu năm 2019, trong một lần lướt Facebook, chị thấy hiện ra ứng dụng cho vay tiền không tính lãi suất. Chị tò mò vào tìm hiểu và được hướng dẫn tải app về điện thoại. Hạn mức vay ban đầu là 500 nghìn đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi, chị T. làm theo mà không biết rằng đó là chiêu trò dụ “con mồi” của app cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Sau lần vay đầu khá thuận lợi, chị T. trả đúng hẹn và được mời chào vay hạn mức 3 triệu đồng với lãi suất ưu đãi vì có hồ sơ tốt. Tin lời tư vấn, chị T. dần sa chân vào “bẫy tín dụng đen” với khoản nợ gần 100 triệu đồng. Mất khả năng trả nợ, chị T. liên tục bị nhóm đòi nợ tra tấn tinh thần khiến chị luôn căng thẳng, không tập trung vào công việc. Chưa hết, nhóm đòi nợ còn lấy được danh bạ, thay phiên nhau gọi điện, nhắn tin đến người thân, đồng nghiệp của chị.

“Cũng vì chuyện này mà mẹ tôi dưới quê cứ bất an. Đồng nghiệp hiểu chuyện cũng thông cảm, nhưng tôi rất ái ngại. Chỉ vì sự thiếu hiểu biết của tôi đã gây ảnh hưởng quá lớn đến gia đình và người thân. Khoản nợ liên tục tăng, đã ba năm tôi vẫn chưa trả hết và cứ bị gọi điện hăm doạ”, chị T. tâm sự.

Tin nhắn đòi nợ được gửi vào số điện thoại của người thân chị M.

Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, thủ đoạn, chiêu thức cho vay tiền của các app online không mới, truyền thông đã cảnh báo, nhưng vẫn nhiều người vướng vào. Đây là loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, trên mạng có rất nhiều app cho vay tiền, cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết.

Cách tốt nhất để không vướng phải những app cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” là người dân không nên vay. Bởi, người vay cần xác định rằng, không có hình thức kinh doanh tài chính nào cho vay không lãi suất, hoặc lãi suất thấp mà không cần thế chấp, lại giải ngân đơn giản như vậy..

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.