Bỏ quy hoạch công chứng, siết chặt quản lý bằng tiêu chí thành lập
Kể từ ngày 1/1/2019, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng chính thức được bãi bỏ bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng đồng nghĩa với việc thành lập văn phòng công chứng không còn phụ thuộc vào lộ trình, chỉ tiêu theo từng năm; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, nhờ đó, hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công chứng là một nghề đặc biệt, nghề cung cấp dịch vụ công bởi các tổ chức tư nhân có tính chất ủy quyền của Nhà nước. Do đó, bên cạnh khuyến khích phát triển các tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng nhu cầu của xã hội, cần tăng cường biện pháp quản lý nhà nước để bảo đảm tính chất quyền lực của hoạt động công quyền, cũng như niềm tin của người dân vào các dịch vụ công. Tại Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đã đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển nghề công chứng; trong đó có nhiệm vụ phát triển tổ chức hành nghề công chứng bảo đảm ổn định, bền vững gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện.
Trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ và tình hình thực tiễn tại địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động công chứng, nổi bật nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chí thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngày 20/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ban hành Quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (thay thế Quyết định số 49/2015/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 ban hành Quy định tiêu chí, mức điểm và cách thức thẩm định hồ sơ thành lập văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk). Sự ra đời của văn bản này đã tạo lập hàng rào pháp lý chặt chẽ trong việc thành lập các văn phòng công chứng, giúp kiểm soát tốt tình trạng thành lập văn phòng công chứng một cách tràn lan.
Cán bộ Văn phòng Công chứng Trần Thanh Sơn (huyện Krông Ana) chứng thực giấy tờ cho người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Theo Quyết định này, để thành lập văn phòng công chứng không hề đơn giản, phải đánh giá được sự cần thiết thành lập của văn phòng công chứng trên cơ sở nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện; đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chí hết sức khắt khe như: đối với tiêu chí về công chứng viên (ngoài điều kiện phải có ít nhất 2 công chứng viên hợp danh theo quy định của Luật Công chứng, phải có điều kiện về thâm niên công tác pháp luật, kinh nghiệm hành nghề công chứng mới có điểm ưu tiên); tiêu chí về trụ sở (nếu trụ sở đặt trên địa bàn cấp xã đã có 2 tổ chức hành nghề công chứng sẽ không được tính điểm; phải đảm bảo diện tích làm việc, diện tích kho, diện tích giữ xe); tiêu chí về nhân sự hỗ trợ công chứng viên (số lượng nhân viên nghiệp vụ phải lớn hơn hoặc bằng số lượng công chứng viên, phải có nhân viên kỹ thuật, kế toán, lưu trữ); tiêu chí về trang thiết bị… Tổng số điểm tối thiểu để được xem xét quyết định thành lập văn phòng quy định theo hướng ưu tiên phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, các văn phòng công chứng đã thành lập trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực muốn chuyển trụ sở sang địa bàn cấp huyện khác cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chỉ như văn phòng công chứng được thành lập mới.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 3 phòng công chứng và 24 văn phòng công chứng. Từ tháng 11/2021 đến nay có 5 văn phòng công chứng được thành lập mới, trong đó có đến 4 văn phòng có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột và 1 văn phòng có trụ sở tại huyện Krông Pắc.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cấp, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để tích hợp, trao đổi các thông tin về nguồn gốc tài sản, ngăn ngừa các giao dịch xấu, hạn chế rủi ro cho các công chứng viên nói riêng và các tổ chức hành nghề công chứng nói chung. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công chứng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và giá trị pháp lý của văn bản công chứng; tăng cường phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Công chứng viên đảm bảo đội ngũ này hoạt động chuyên nghiệp, thực hiện đúng quy định của pháp luật và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Phan Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc