Xử lý nghiêm hành vi gắn biển số xe giả
Không ít xe ô tô, gắn máy gắn biển số giả để lưu thông trên đường là thực trạng đáng báo động tại nhiều tỉnh thành ở nước ta hiện nay. Hành vi này cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm.
Biển kiểm soát (BKS) xe cơ giới hay còn gọi là biển số xe là tấm biển gắn trên mỗi xe cơ giới, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cụ thể là cơ quan công an cấp khi mua xe hoặc chuyển nhượng xe.
Biển số xe có in những con số và chữ mang thông tin của chủ sở hữu. Vùng và địa phương quản lý, các con số cụ thể khi tra trên máy tính còn cho biết danh tính người chủ hay đơn vị đã mua nó, thời gian mua nó, thời gian mua nó phục vụ cho công tác an ninh… Để thuận tiện cho việc quản lý về trật tự, an toàn xã hội, cơ quan nhà nước đã phân chia màu sắc, ký tự, của các biển số xe theo cơ quan và mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp xe gắn máy, xe ô tô gắn biển số giả lưu thông trên đường. Nhiều người đi đường còn chụp ảnh hoặc ghi hình lại cảnh hai xe đi cạnh nhau với BKS y hệt nhau. Vụ việc ô tô mang BKS giả 38A – 999.99 bị phát hiện ở Hà Tĩnh vào ngày 5/8 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Chiếc xe mang biển kiểm soát giả 38A-999.99 bị người dân chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. |
Hành vi gắn biển số giả của các chủ xe xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau. Có người vì đang chờ được cấp biển số mới nên gắn biển giả để lưu thông tạm, có người gắn biển số đẹp chỉ để cho oai… Thế nhưng, có những đối tượng lại cố tình sử dụng biển số giả để che giấu hành vi phạm tội, sử dụng xe trộm cắp không giấy phép đăng ký, hoặc tránh bị xử phạt các lỗi vi phạm an toàn giao thông.
Hành vi gắn biển số giả tưởng chừng như đơn giản và xuất hiện khá nhiều trong thời gian qua có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt, các phương tiện gắn biển số giả sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra, phòng, chống tội phạm, truy tìm tài sản bị trộm cắp. Bên cạnh đó, hiện nay, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, hệ thống xử lý vi phạm giao thông bằng camera hay còn gọi “phạt nguội” đang được triển khai rộng khắp để dần thay thế cho lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, nên các phương tiện gắn biển số giả sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống này, gây khó khăn trong việc truy vết và xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm.
Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trong trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị xử phạt vi phạm theo với “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”. Mức phạt đối với lái xe ô tô là 4 - 6 triệu đồng; chủ nhân xe ô tô là cá nhân thì bị phạt 4 - 6 triệu đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 8 - 12 triệu đồng. Đối với phương tiện là xe máy, thì lái xe bị phạt 300.000 - 400.000 đồng; chủ nhân xe máy là cá nhân thì bị phạt 800.000 - 2.000.000 đồng, còn nếu là tổ chức thì bị phạt 1,6 - 4 triệu đồng. Còn nếu là máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng thì lái xe bị phạt 1 - 2 triệu đồng; nếu phương tiện trên là của cá nhân thì bị phạt 4 - 6 triệu đồng, còn là tổ chức thì phạt từ 8 - 12 triệu đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, việc làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Mặc dù pháp luật hiện hành đã có quy định nhằm điều chỉnh, kèm theo các mức xử phạt khá chi tiết đối với hành vi gắn biển số giả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hành vi này vẫn đang diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi, với nhiều loại phương tiện khác nhau. Chính vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc tăng mức xử phạt, cụ thể là tăng mức tiền phạt, đồng thời có thêm các hình phạt bổ sung để nâng cao tính răn đe.
Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc