Multimedia Đọc Báo in

Cặp tình nhân lĩnh án chung thân và tử hình về tội giết người

08:12, 16/09/2022

TAND tỉnh vừa xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Đào Thị Mình (SN 1983, trú thôn 16, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) tù chung thân; Lý Văn Quân (SN 1974, trú thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tử hình, cùng về 2 tội giết người và cướp tài sản.

Theo cáo trạng, Mình và ông L. V. N. (SN 1974) là vợ chồng, có với nhau 4 người con. Tuy nhiên, từ năm 2021, giữa Mình và Quân (em họ của ông N.) có quan hệ yêu đương nhau. Anh N. biết chuyện nên hai vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, đánh nhau. Mình đem chuyện bị chồng đánh kể cho Quân nghe, rồi cả hai lên kế hoạch giết chết anh N. để được tự do đến với nhau.

Hai bị cáo tại tòa sơ thẩm.
Hai bị cáo tại tòa sơ thẩm.

Rạng sáng ngày 6/3/2022, Mình và ông N. đi xe máy sang huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) để tìm hoa lan bán. Khi đến nơi, 2 vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn về việc trước đây Mình cho Quân mượn một cái nồi cơm điện nhưng chưa trả. Lúc này, ông N. dùng tay, chân đánh Mình, sau đó cả hai quay xe về để lấy lại nồi cơm điện.

Khoảng 16 giờ cùng ngày, Mình viện lý do đến gặp Quân để lấy nồi cơm điện, rồi điều khiển xe máy chở chồng qua khu vực vườn điều (thuộc tiểu khu 281, Vườn quốc gia Yok Đôn, thuộc địa phận xã Cư M’lan, huyện Ea Súp).

Khi cả 2 đến nơi, Quân từ trong bụi rậm xông ra đánh, bóp cổ anh họ, Mình cũng nhặt cục đá đánh vào đầu nạn nhân đến tử vong. Sau đó, Mình và Quân khiêng thi thể ông N. lên núi cách đó 700 m, lấy dây thắt lưng treo cổ nạn nhân lên cây nhằm dựng hiện trường giả là vụ tự tử.

Sau khi gây án, cả 2 lấy điện thoại di động và 2 triệu đồng tiền mặt của nạn nhân rồi bỏ trốn sang Gia Lai thuê nhà nghỉ, 3 hôm sau quay về nhà. Quân sau đó bỏ trốn xuống Đồng Nai làm thuê cho đến khi bị bắt.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.