Multimedia Đọc Báo in

Cùng chung sức đẩy lùi tệ nạn ma túy

09:38, 19/02/2023

Dự án “Xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” (sau đây gọi là Dự án) do Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh triển khai từ năm 2019 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn ma túy.

Để có kết quả này, Ban Chỉ đạo Dự án xã Krông Na đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đến từng thôn, buôn trên địa bàn; phối hợp với lực lượng chức năng rà soát, phát hiện đối tượng nghiện ma túy, tội phạm liên quan ma túy; thường xuyên sâu sát nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở khu dân cư, nếu phát hiện trường hợp nào có biểu hiện lệch lạc, nghi nghiện ma túy sẽ đến tận nhà tuyên truyền, thuyết phục từ bỏ, hoặc mạnh tay hơn là răn đe, tuyên truyền cá biệt… Nhờ đó, trong những năm qua, xã Krông Na chưa ghi nhận vụ việc mua, bán, vận chuyển ma túy hoặc trồng cây có chứa chất ma túy.

Các trưởng thôn, buôn của xã Ea Sol (huyện Ea H'leo) ký cam kết thôn, buôn không tệ nạn ma túy tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022.

Tương tự, xã Ea Sol là địa bàn duy nhất của huyện Ea H’leo đã chuyển hóa thành công, được đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự và thành công với Dự án từ năm 2020. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn xã liên tục được kiềm giảm. Nếu như năm 2021, Công an xã Ea Sol ghi nhận 13 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; đến năm 2022, số vụ việc xâm phạm trật tự xã hội giảm còn 5 vụ.

Trung tá Nguyễn Hồng Thăng, Trưởng Công an xã Ea Sol cho hay, cấp ủy và chính quyền xã luôn chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy ở các khu dân cư, cơ quan, trường học, kết hợp với việc vận động ký cam kết không phạm tội về ma túy và tệ nạn xã hội. Định kỳ hằng tháng, Công an xã phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đoàn thể của xã đến gia đình thăm hỏi, động viên và tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên, người từng sử dụng ma túy và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, hạn chế nguy cơ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, phát triển và duy trì hoạt động thường xuyên của 25 mô hình gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

 

Năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 858 người nghiện ma túy sử dụng nhiều lần (giảm 1.041 người nghiện so với năm 2021). Trong năm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị TAND 2 cấp ra quyết định đưa 296 người nghiện ma túy vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc.

Đơn cử, mô hình “3 an toàn” đảm bảo an ninh trật tự tại Chi hội Tin lành Ea Sol, với các tiêu chí an toàn trong hoạt động tôn giáo; an toàn về tài sản và con người; an toàn về văn hóa chính trị của người dân theo tôn giáo. Ngay khi thành lập (năm 2018), Chi hội đã cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền tín đồ hoạt động tôn giáo đúng quy định, sống tốt đời, đẹp đạo cùng với nhân dân toàn xã đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Hơn 3 năm triển khai, Ban Chỉ đạo mô hình đã phối hợp với Công an xã Ea Sol tổ chức 17 buổi tuyên truyền pháp luật, 100% các hộ gia đình trong Chi hội ký cam kết không có tệ nạn xã hội, đối tượng nghiện ma túy, không tàng trữ vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…”, mục sư Y Yô Xuê Ksơr, Chi hội trưởng Chi hội Tin lành xã Ea Sol, Phó Ban Chỉ đạo mô hình “3 an toàn” cho biết.

Dự án được triển khai đến 184/184 xã, phường, thị trấn trên địa tỉnh. Đến nay, ghi nhận 37 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, tăng 7 xã, phường, thị trấn so với năm 2020. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy luôn được chú trọng, chỉ tính riêng năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 348 vụ, 509 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, tăng 48 vụ, 63 đối tượng so với năm 2021. Trong đó, có 13 vụ, với 22 đối tượng phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thu giữ trên 400 gram heroin, trên 900 gram ma túy tổng hợp, trên 34 kg cần sa, hơn 8.230 cây cần sa tươi, hàng chục triệu đồng cùng nhiều tang vật chứng, công cụ, phương tiện có liên quan.

Công an xã Krông Na tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn).

Theo Đại tá Nguyễn Quang Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), mặc dù Dự án đạt nhiều kết quả ghi nhận, nhưng vẫn còn một vài hạn chế. Trong 147 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, thì có 3 địa bàn trọng điểm về ma túy loại III (ghi nhận có trên 20 người nghiện ma túy ngoài xã hội) là các phường Tân Tiến, Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) và xã Ea Wy (huyện Ea H’leo). Gia đình và người sử dụng ma túy còn mang tâm lý che dấu, chống đối, không phối hợp, giúp đỡ lực lượng chức năng; có những địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này, thực hiện cho có; sự vào cuộc của các ban, ngành chưa thực sự đồng bộ...

Bà Nang Bun Sốm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho rằng: Hạn chế ở địa phương trong xây dựng Dự án “Xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” đó là thành viên Ban Chỉ đạo xã chủ yếu tập trung thực hiện công tác chuyên môn, việc phối hợp giữa Công an xã, Y tế xã và các đơn vị trên địa bàn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy gần như "khoán trắng" cho lực lượng Công an xã.

Để Dự án đạt kết quả cao hơn nữa, ngoài công tác đấu tranh, các cấp, ngành và lực lượng chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, quyết tâm kiềm chế tệ nạn này trên địa bàn. Đảng ủy xã, phường, thị trấn phải xây dựng nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các ban, ngành cùng cấp thực hiện.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.