Multimedia Đọc Báo in

Cần lắm "sự văn minh" khi tham gia giao thông

08:44, 28/05/2023

Chửi bới, xúc phạm nhau, thậm chí động tay, động chân… sau khi xảy ra va chạm giao thông là hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền video clip có nội dung về một vụ xô xát sau khi va chạm giao thông ở TP. Buôn Ma Thuột. Sau đó cô gái tên B. đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc bị một nam bác sĩ hành hung mình do mâu thuẫn sau vụ va chạm giao thông trên, trong khi đó, vị bác sĩ này phủ nhận sự việc. Sau đó, em gái vị bác sĩ (người trực tiếp va chạm giao thông với em gái chị B.) cũng làm đơn tố cáo lại chị B. vì hành vi mắng chửi, xúc phạm bản thân cô dù cô đang mang thai. Có thể thấy, chỉ từ vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng các cá nhân liên quan đã có những hành vi nhục mạ, gây mâu thuẫn, thậm chí là xô xát, kiện tụng lẫn nhau.

Một cảnh xô xát sau khi va chạm giao thông ở TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh cắt từ clip)

Từng chứng kiến thói hung hăng của người khác sau va chạm giao thông, anh N.X.M. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gần đây trong một lần lưu thông trên đường Lê Duẩn vào thời điểm tan tầm, xe cộ đông đúc, lại gặp đoạn đường đang thi công nên giao thông bị tắc nghẽn một đoạn dài. Đúng lúc đó, một chiếc xe dịch vụ du lịch không chịu chờ đợi mà cố lách qua để vượt lên trước và quẹt vào xe ô tô cá nhân của một người đàn ông. Không những không dừng lại xin lỗi hoặc giải quyết hậu quả, tài xế xe dịch vụ còn ngồi trên xe, hạ cửa kính xuống và có những lời lẽ thiếu chuẩn mực với tài xế ô tô bị va quẹt. Quá ấm ức, không kiềm chế được nên tài xế xe ô tô con đã "chửi" lại và cuối cùng là hai bên xô xát với nhau. Sự việc này dẫn đến tắc đường thêm trầm trọng và kéo dài hơn. Những người tham gia giao thông cùng thời điểm trên khi chứng kiến sự việc thì vô cùng ngán ngẩm với cách hành xử thiếu văn minh của tài xế lái xe dịch vụ.

Trên thực tế, rất dễ bắt gặp các vụ cãi vã, ẩu đả khi tham gia giao thông. Sau khi va chạm, hiện trường còn ngổn ngang, những người liên quan chưa cần biết đúng sai đã lao vào xô xát, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Không ít vụ để lại hậu quả nghiêm trọng, đau lòng. Có thể thấy, việc thích “chửi”, thậm chí là dùng vũ lực khi xảy ra va chạm giao thông thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân của một số người còn thấp. Đồng thời, khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người bảo thủ, luôn cho rằng mình đúng, cho rằng mình “quen ông này, biết bà kia” nên từ va chạm nhỏ dễ dẫn đến những mâu thuẫn lớn, không đáng có. Cùng với đó là bị kích động bởi tâm lý đám đông, thích thể hiện cá nhân, "ra oai" với mọi người xung quanh.

Tuy hiện nay chưa có thống kê chính thức về số người bị tổn thương sau những vụ ẩu đả chỉ vì những pha va chạm, mâu thuẫn khi tham gia giao thông. Song, có thể thấy, tình trạng này thường xảy ra với những người ngang tàng, cộc tính, kém hiểu biết, nhất là khi trong người đã có hơi men, để lại hậu quả nghiêm trọng. Hình ảnh này càng gây bức xúc trong dư luận vì có những người có học thức, có địa vị trong xã hội, nhưng cách cư xử lại không mấy văn minh.

Rõ ràng, để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, bên cạnh việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, mỗi người phải biết kiên nhẫn khi tham gia giao thông và kiềm chế cảm xúc, không nên chỉ vì nóng giận tức thời hay vì lợi ích của cá nhân mình mà dùng lời lẽ thiếu văn hóa  hay hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.