Mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội là hành vi trục lợi bất chính
Lợi dụng tình hình nhiều người lao động (NLĐ) bị mất việc làm sau dịch COVID-19, thời gian gần đây hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các đối tượng xuất hiện tràn lan với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook…
Với rất nhiều NLĐ, sổ BHXH là tài sản, là "của để dành" duy nhất và lớn nhất của họ trong quá trình làm việc và tham gia đóng BHXH. Ngoài sổ BHXH, không ít NLĐ hoàn toàn không có khoản tiền, khoản tài sản tích lũy nào khác. Bởi vì, mức thu nhập từ tiền công, tiền lương hằng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu, trang trải cuộc sống, nếu không muốn nói là thiếu trước hụt sau, đời sống của không ít NLĐ hết sức bấp bênh.
Người lao động giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk. Ảnh minh họa: Nguyên Dũng |
Khi không may mất việc làm và rơi vào tình cảnh thất nghiệp thì việc “bấu víu” vào tài sản lớn nhất và duy nhất là sổ BHXH để làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần, thậm chí để cầm cố, bán sổ BHXH của mình với giá rẻ cũng là điều dễ hiểu.
Vì sao có một số NLĐ chấp nhận mua bán, cầm cố sổ BHXH dù có nhiều người biết việc làm đó là hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm pháp luật, vi phạm Luật BHXH và sẽ chịu nhiều thiệt thòi? Bởi khi bị thất nghiệp và mất việc làm, NLĐ thường phải chờ đợi một năm sau kể từ ngày bị chấm dứt hợp đồng, bị mất việc làm mới được làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần.
Có lẽ vì thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi hoàn cảnh và cuộc sống trước mắt không thể tiếp tục chờ đợi nên nhiều người đành "nhắm mắt đưa chân", chấp nhận mua bán, cầm cố sổ BHXH và làm giấy ủy quyền cho những người nhận cầm cố, mua bán để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Anh Lê Đức H. (40 tuổi, nhà ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) kể: “Trước đây, tôi đi làm việc tại tỉnh Bình Dương và đã đóng BHXH được hơn 10 năm. Thế nhưng, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, tôi phải quay về quê và mất việc từ đó. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đơn giản về quê kiếm việc làm mới nhưng thật sự không dễ dàng chút nào vì hơn một năm qua cũng chỉ làm “thợ đụng”. Cuộc sống gia đình túng quẫn, khi thấy trên mạng có nhiều người có nhu cầu mua lại sổ BHXH, trong tình thế chẳng đặng đừng, tôi đành cầm cố sổ BHXH để lấy mấy chục triệu đồng, giải quyết chuyện trước mắt cái đã”.
Không riêng gì anh H. mà nhiều NLĐ trong tình thế gia cảnh khó khăn đã đành “nhắm mắt làm liều”, cho dù biết bản thân sẽ bị rất nhiều thiệt thòi khi đưa tài sản duy nhất là cuốn sổ BHXH cho những kẻ lạ mặt.
Trước tình trạng trên, mới đây BHXH Việt Nam đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo tới NLĐ cần nêu cao cảnh giác, tránh tiếp tay cho các hành vi nêu trên và phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý. BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh tăng cường kiểm soát, phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng NLĐ và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH. Đặc biệt khi đủ điều kiện, NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ BHYT để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.
NLĐ cần nêu cao cảnh giác để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh chính đáng cho bản thân mình, đồng thời kịp thời phát hiện, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc