Multimedia Đọc Báo in

Xét xử sơ thẩm vụ án chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật

17:06, 27/09/2023

Ngày 27/9, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc đã tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật” xảy ra tại xã Hòa Đông.

Phiên tòa được UBND huyện Krông Pắc truyền thanh trực tiếp tại Nhà văn hóa huyện để người dân quan tâm theo dõi.

Bị cáo Nguyễn Thành Giang trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Bị cáo Nguyễn Thành Giang trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Theo cáo trạng, năm 2011, Nguyễn Thành Giang nhận khoán lô cây cà phê tại thôn Hòa Bắc, xã Hòa Đông của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi. Niên vụ 2018 – 2019, Giang không nộp sản lượng theo hợp đồng nên bị công ty khởi kiện. Bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh tuyên buộc Giang phải trả cho công ty 5.198 kg cà phê quả tươi.

Quá trình tổ chức thi hành án dân sự, Giang không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án nên ngày 16/3/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản là vườn cây trên để thi hành án dân sự. Ngày 7/7/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã giao vườn cây cho Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi có toàn quyền sở hữu theo quy định pháp luật, đồng thời thông báo cho Nguyễn Thành Giang biết.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc đọc bản cáo trạng tại tòa.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc đọc bản cáo trạng tại tòa.

Rạng sáng ngày 7/11/2022, Nguyễn Thành Giang biết tin Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi thuê người cưa cắt cây trồng tại diện tích Giang từng nhận khoán và đã cùng Dương Thị Thủy (vợ bị can Giang), Lê Thị Lụa, Nguyễn Thị Thanh Phong và một số đối tượng khác ngăn cản, hô hào, bắt, trói và giữ người trái pháp luật đối với ông Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Xuân Trường (là người công ty thuê cưa cây) và ông Nguyễn Xuân Huy (cán bộ công an huyện Krông Pắc được phân công đến hiện trường làm nhiệm vụ). Ngô Công Anh thấy các đối tượng đang bắt ông Trường thì đã cùng tham gia.

Khoảng 9h cùng ngày, khi lực lượng Công an huyện Krông Pắc phối hợp cùng Công an tỉnh đến hiện trường giải cứu những người bị bắt giữ và yêu cầu các đối tượng, người dân giải tán thì Lê Thị Lụa, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Huy Công, Lại Văn Trịnh, Huỳnh Văn Quân và nhiều đối tượng khác (chưa rõ nhân thân lai lịch) đã dùng các đoạn cây cà phê, sầu riêng chắn lối vào hiện trường, đứng phía trước hô hào, xô đẩy, phản đối… để cản trở lực lượng thi hành công vụ.

Luật sư đặt câu hỏi đối với bị cáo Dương Thị Thủy.
Luật sư đặt câu hỏi đối với bị cáo Dương Thị Thủy.

Trên cơ sở tình tiết và chứng cứ vụ việc, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc quyết định truy tố Nguyễn Thành Giang, Dương Thị Thủy, Nguyễn Thị Thanh Phong, Ngô Công Anh về tội bắt, giữ người trái pháp luật; truy tố Lê Thị Lụa về tội bắt, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ; truy tố Trần Văn Thịnh, Nguyễn Huy Công, Lại Văn Trịnh và Huỳnh Văn Quân về tội chống người thi hành công vụ.

Tại tòa, 9 bị cáo đều bày tỏ thái độ ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo và mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.
Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án.

Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo cùng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Giang 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Thị Lụa 4 năm 6 tháng tù; bị cáo Dương Thị Thủy 2 năm 9 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Phong 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Trần Văn Thịnh 1 năm 3 tháng tù; bị cáo Nguyễn Huy Công 1 năm 3 tháng tù; bị cáo Lại Văn Trịnh 9 tháng tù; bị cáo Huỳnh Văn Quân 9 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 1 năm 6 tháng; bị cáo Ngô Công Anh 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 3 năm.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử đã chấp nhận việc các bị cáo Giang, Thủy, Lụa, Phong đã tự nguyện bồi thường cho bị hại Nguyễn Xuân Huy tổng số tiền 20 triệu đồng; bị hại đã đồng ý nhận và không yêu cầu gì thêm.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.