Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả với “4 tại chỗ”

07:05, 04/10/2023

Để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy”, các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả ngay từ cơ sở, nâng cao ý thức phòng chống hỏa hoạn trong cộng đồng, tăng khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Với đặc thù nhà ở đô thị mật độ cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn liên quan đến cháy nổ, TP. Buôn Ma Thuột đã chú trọng xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC)” và "Điểm chữa cháy công cộng". Tại tổ dân phố 1 (phường Tự An), sau 1 năm xây dựng cả hai mô hình này, Ban tự quản thường xuyên kiểm tra các thiết bị chữa cháy, cập nhật kiến thức về PCCC, nhắc nhở người dân đề phòng các nguy cơ hỏa hoạn.

Ông Phạm Mạnh Hoạch, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 1 cho biết, nhà ở của người dân trên địa bàn xây dựng san sát, diện tích nhỏ, nhiều hộ sử dụng nhà ở làm nơi kinh doanh, cất giữ hàng hóa. Trong khi đó, lối thoát hiểm của các căn nhà lại thường sử dụng cửa xếp, cửa cuốn nên rất khó thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn. Nhờ triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, các hộ dân đều được tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC và thực hành các bước xử lý khi xảy ra sự cố cháy, nổ… Đây là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao ý thức PCCC của dân cư để bảo vệ tính mạng và tài sản của chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện chữa cháy và hướng dẫn công tác PCCC tại mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tổ dân phố 1, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại huyện Krông Pắc, phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” cũng được đẩy mạnh đến cơ sở. Toàn huyện đã xây dựng 26 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 5 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Ngoài ra, 250 đội dân phòng với 2.500 thành viên cũng là lực lượng tại chỗ tích cực, sẵn sàng tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH). Tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã tổ chức thực tập phương án PCCC và CNCH nhằm tăng cường khả năng phối hợp đồng bộ của các lực lượng tại địa phương, nâng cao kỹ năng xử lý của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiện hại về người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn.

Đơn cử như vụ hỏa hoạn tại quán Karaoke Lâm Hiền 2 xảy ra vào trưa 20/9 vừa qua, nhờ có sự vào cuộc nhanh chóng của cấp ủy, chính quyền thị trấn Phước An cùng các nguồn nhân lực, phương tiện tại chỗ nên công tác di dời tài sản, huy động người tham gia cô lập đám cháy, giảm nguy cơ cháy lan đã được thực hiện rất khẩn trương, cấp tốc. Sau khi Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp cận hiện trường, các lực lượng tại chỗ còn tiếp tục đồng hành tham gia chữa cháy, hỗ trợ tiếp nước, đục tường, phá dỡ mái tôn của công trình… góp phần rút ngắn thời gian chữa cháy, giảm thiệt hại về tài sản cho người dân.

Lực lượng chức năng thực tập phương án PCCC và CNCH tại xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Trong 9 tháng qua, Công an huyện và UBND các xã, thị trấn cũng đã tổ chức 379 buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH, kỹ năng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy cho gần 30.000 lượt người. Hình thức, nội dung tuyên truyền được thiết kế linh động, lồng ghép vào các chương trình giáo dục kỹ năng tại trường học, các buổi hướng dẫn cài định danh điện tử, hoạt động sinh hoạt chính trị ở các thôn, buôn, tổ dân phố…

Bên cạnh đó, UBND huyện Krông Pắc cũng đã phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đến tất cả các hộ gia đình trên địa bàn với mục tiêu đến hết năm 2023, 100% nhà ở của hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay.

Theo Trung tá Đặng Huy Thái, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH  – Công an huyện Krông Pắc, nhờ tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, thực tập PCCC, người dân trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức trước các nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, nâng cao trách nhiệm PCCC. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, các nguy cơ xảy ra tai nạn cháy, nổ rất phức tạp, khó lường. Chính vì thế, các cơ quan, đơn vị của huyện sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về PCCC, nhân rộng các mô hình hiệu quả để huy động toàn dân, toàn hệ thống chính trị cùng tham gia công tác PCCC.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.