Phiên tòa giả định:
Hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả
Thời gian qua, những phiên tòa giả định được ngành KSND hai cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức tại các trường học đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với đoàn viên, học sinh, sinh viên.
Đầu tháng 9/2024, hội trường hơn 500 chỗ ngồi của Trường Đại học Đông Á (phân hiệu tại Đắk Lắk) chật kín sinh viên đến tham dự một phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức.
Bằng hình thức sân khấu hóa sinh động, phong phú, các đoàn viên của Viện KSND tỉnh và sinh viên của Trường Đại học Đông Á đã thể hiện tiểu phẩm kịch ngắn tái hiện lại hành vi trộm cắp tài sản.
Nội dung của tiểu phẩm xoay quanh vấn đề do tác động bởi những cám dỗ trên môi trường mạng Internet nên hai sinh viên đã sa vào việc chơi game online và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi giao dịch trên mạng xã hội. Mất hết số tiền mà bố mẹ cho để đóng học phí, hai sinh viên đã bàn nhau lẻn vào trường đại học trộm cắp tài sản nhưng bị bảo vệ phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho công an.
Phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường Đại học Đông Á. |
Qua quá trình điều tra, khởi tố, truy tố của các cơ quan chức năng, phiên tòa giả định xét xử hai sinh viên với hành vi trộm cắp tài sản được diễn ra như một phiên tòa ngoài đời thật. Các “diễn viên không chuyên” đã đóng các vai với đầy đủ thành phần như chủ tọa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, luật sư, bị cáo; trình tự phiên tòa từ khai mạc, xét hỏi, tranh luận cho đến nghị án, tuyên án đều được thực hiện theo đúng quy định; tập trung phân tích các tình tiết, tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo rất cặn kẽ, bài bản, chuyên nghiệp…
Sau phiên tòa giả định, Ban tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các sinh viên thông qua các câu hỏi tương tác trực tiếp. Ngoài việc giải đáp thắc mắc về các nội dung liên quan đến pháp luật, Ban tổ chức cũng dành nhiều thời gian trao đổi với các sinh viên có hứng thú, muốn tìm hiểu về ngành luật để có thể trở thành thẩm phán, luật sư trong tương lai.
Sinh viên Lê Văn Gia Huy (Trường Đại học Đông Á, phân hiệu tại Đắk Lắk) chia sẻ: "Được tham dự phiên tòa giả định đã giúp em hiểu biết thêm các quy định của pháp luật đối với hành vi trộm cắp tài sản và các hành vi vi phạm khác. Từ đó, giúp bản thân em xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và có các biện pháp để phòng tránh các hành vi vi phạm pháp luật".
Tiến sĩ Hà Thị Như Hằng, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Đông Á tại Đắk Lắk cho biết: Các tiểu phẩm, tình huống của phiên tòa giả định được Chi đoàn Viện KSND tỉnh tổ chức tại nhà trường thực sự đã mang lại ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, nhất là đối với các tân sinh viên.
Bởi các em học xong trung học; xa vòng tay che chở, bảo bọc của gia đình; phải tự lo cuộc sống, chi tiêu của bản thân… nên rất dễ bị sai lầm, nông nổi, sa đà vào các tệ nạn, các hành vi vi phạm pháp luật. Từ phiên tòa giả định này sẽ giúp các em biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật, để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng lối sống lành mạnh trong môi trường giáo dục và trong cuộc sống hằng ngày.
Cán bộ, công chức Viện KSND tỉnh tuyên truyền các kiến thức pháp luật cho sinh viên. |
Ông Nguyễn Trường Lưu, Phó Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh cho biết: Thời gian qua, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ngành KSND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức nhiều phiên tòa giả định nhằm đưa pháp luật vào thực tiễn, cũng như tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, ngành KSND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức thành công 11 phiên tòa giả định tại các trường học trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia của hơn 12.500 học sinh, sinh viên. Tất cả các phiên tòa giả định đều dựa trên những vụ án có thật nhằm tuyên truyền pháp luật, nhất là đối với các tội danh liên quan đến ma túy, bạo lực học đường, trộm cắp tài sản...
Các phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả với các tình huống sát thực tế, nội dung thể hiện sinh động, dễ hiểu và mang tính giáo dục cao giúp học sinh, sinh viên cùng những người tham dự phiên tòa trang bị thêm kiến thức pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là đối với giới trẻ...
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc