Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông

09:11, 21/08/2023

Hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn khá phổ biến.

Trong đó đáng lo ngại là tình trạng nhiều người tham gia giao thông có thái độ và hành vi chống đối lực lượng chức năng, nhiều trường hợp quay phim và phát tán hình ảnh vụ việc; một số đối tượng xấu lợi dụng sơ hở, thiếu sót của cảnh sát giao thông (CSGT) để soi xét, phán xét vấn đề, đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ trên các trang mạng xã hội.

Qua phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song chủ yếu là do một số nguyên nhân cơ bản sau: Người lái xe chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ các quy định pháp luật về TTATGT, kỹ năng lái xe, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. Khâu đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe và quản lý lái xe còn nhiều bất cập. Một bộ phận người dân có thái độ cổ vũ, ủng hộ cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật…

Giáo viên Khoa đào tạo lái xe, Trường Trung cấp Tây Nguyên
Giáo viên Khoa đào tạo lái xe, Trường Trung cấp Tây Nguyên hướng dẫn học viên kỹ năng lái xe. Ảnh: Quốc Cường

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ cao (như thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…). Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về TTATGT còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một hành vi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng CSGT với người dân.

Đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận trong công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT cũng còn một số khiếm khuyết, thiếu sót. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng bảo đảm TTATGT còn hạn chế nên ý thức, trách nhiệm công dân, văn hóa giao thông của nhiều người tham gia giao thông chưa cao. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đôi lúc còn chưa tương xứng với thực tế vi phạm pháp luật về TTATGT, vẫn nặng về xử phạt, coi nhẹ biện pháp giáo dục, thuyết phục và còn xảy ra tiêu cực.

Thiết nghĩ, để góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người dân, giảm thiểu tình trạng chống người thi hành công vụ, CSGT cần chủ động xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị, xã hội… trong tuyên truyền pháp luật về TTATGT. Củng cố và phát huy hiệu quả các mô hình vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT, chú trọng xây dựng mới các mô hình tại những tuyến và địa bàn phức tạp về TTATGT, thường xuyên xảy ra vi phạm và tai nạn giao thông (TNGT); kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình, có đóng góp nhiều thành tích để duy trì và phát động phong trào.

Cán bộ csgt công an tp. Buôn Ma Thuột tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông tại các nhà hàng, quán phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thế Hùng
Cán bộ Cảnh sát giao thông, TP. Buôn Ma Thuột tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông tại các nhà hàng, quán phục vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thế Hùng

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; gắn kết công tác tuyên truyền với các công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT như tuần tra xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT, đăng ký xe… Giảm bớt các bài lý thuyết, hướng tới việc tuyên truyền thông qua các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố, va chạm hoặc TNGT xảy ra…

Tập trung xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh, đề cao đạo đức, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân. Chú trọng nâng cao, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ cho lực lượng CSGT. Yêu cầu trong khi thi hành nhiệm vụ, CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, kiên quyết nhưng phải linh hoạt.

Nguyễn Đình Khoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.