Dấu ấn Hà Nội trên đất Nam Tây Nguyên
Một chặng dài lịch sử thiên di mở đất lập nghiệp trên vùng Nam Tây Nguyên, người Hà Nội (bao gồm Hà Nội – Tràng An và Hà Tây) ăm ắp sự kiện, đong đầy cảm xúc. Đất và người trở thành mối lương duyên bền chặt. Ngót 90 năm qua, vùng đất Nam Tây Nguyên đã “hóa tâm hồn” của bao thế hệ người Hà Nội…
1. Người Hà Nội chính thức lập nghiệp ở vùng đất Nam Tây Nguyên từ tháng 5/1938, mang theo nghề trồng hoa từ các làng Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Tựu, Xuân Tảo, Vạn Phúc. Đoàn người hành phương Nam theo chiêu mộ của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu và Thương tá canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định. Đến cuối năm 1943, ấp Hà Đông tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) có 57 gia đình, chung lưng đấu cật lao động trên 64 ha, tạo những mùa hoa rực rỡ đất trời phố núi. Ông Ngô Văn Ngôn là lớp thế hệ khai sơn lập ấp đã kể rất nhiều về những tháng ngày canh nông gian khó bởi khí trời buốt giá và thú rừng luôn rình rập. Nhưng tính cần cù, kinh nghiệm truyền thống là động lực giúp họ vượt qua, kết những mùa màng hoa và rau bội thu.
Thị trấn Nam Ban hôm nay. |
Năm 1945, triều đình Huế ban sắc phong “tòng cửu phẩm” cùng tiền và gạo tưởng thưởng cho 16 nông dân Hà Đông vì có công tạo dựng một vùng làng xã canh nông điển hình. Nông dân ấp Hà Đông đã chứng minh được lời của Tổng đạo Hoàng Trọng Phu khi khởi hành vào Nam: “Nếu thành công, những con người ra đi hôm nay sẽ là những người tạo giá trị mới tại một vùng đất mới”…
Năm 2009, làng hoa Hà Đông trở thành làng nghề truyền thống đầu tiên của TP. Đà Lạt. Đà Lạt nay là trung tâm sản xuất hoa lớn nhất của cả nước, từ sản lượng, chất lượng đến chủng loại. Danh xưng Thành phố Lễ hội của châu Á về “Festival hoa và vườn đẹp nhất” do Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á (IFEA ASIA) công nhận cho Đà Lạt (tháng 2/2024) có sự góp phần đắc lực của hoa Hà Đông…
2. Tháng 11/1975, theo chỉ đạo của Trung ương, cán bộ TP. Hà Nội vào hai tỉnh Tuyên Đức và Lâm Đồng khảo sát địa bàn để đầu năm 1976 chính thức xây dựng Vùng kinh tế mới Hà Nội. Lực lượng lên đường vào vùng đất Nam Tây Nguyên là thanh niên các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì và các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Họ bắt đầu xây dựng quê hương mới từ vùng đất sơn lam chướng khí. Vừa vượt bao khó khăn thiếu thốn để khai sơn lập địa, xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất, người Hà Nội còn phải chiến đấu với lực lượng phản động FULRO… Sức mạnh tổng hợp được kết tinh từ sức bật, sức vươn của tuổi trẻ, từ sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Thủ đô, sự giúp đỡ thiết thực của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lâm Đồng và cả từ những đồng hương là các bậc lão nông ấp Hà Đông, Đà Lạt…
Sản phẩm của làng hoa Hà Đông góp phần quan trọng cho Festival Hoa Đà Lạt thành công. |
Vùng kinh tế mới dần ổn định và thích nghi những điều kiện của “vạn sự khởi đầu nan”. Hàng nghìn đoàn viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội tiếp tục lên đường vào Nam Tây Nguyên xây dựng kinh tế. Từ 1976 -1980, họ đã khai hoang 1.900 ha đất, xây dựng gần 1.000 căn nhà, đào 117 giếng nước, làm 271 km đường giao thông, 35 cầu cống các loại… Nhiều lãnh đạo cao cấp của đất nước đã vào trực tiếp chỉ đạo, động viên cán bộ nhân dân “Hà Nội mới” như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Các mô hình nông trường, hợp tác xã, xí nghiệp được thành lập. Và hơn hết, người Hà Nội quyết vượt thách thức khắc nghiệt, chống tư tưởng ỷ lại của cơ chế bao cấp, phát huy ý thức tự lực tự cường, năng động sáng tạo để tạo lập cuộc sống mới…
3. Tháng 10 này là tròn 27 năm thành lập huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Huyện có khoảng 150.000 người sinh sống với 30 dân tộc anh em tại 14 xã và 2 thị trấn; trong đó, tới 60% cư dân là người Hà Nội. Những địa danh hành chính nơi quê hương mới gợi nhớ thân thiết những vùng đất Hà Nội, các xã Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Thanh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng… Bây giờ, đúng như cảm nhận của anh Hoàng Ngọc Trọng, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban (nơi thủ phủ xưa của Vùng kinh tế mới Hà Nội): “Vùng Nam Tây Nguyên này tài nguyên đất đai đa dạng, khí hậu ôn hòa cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng có thế mạnh như cà phê, dâu tằm, rau, hoa, các loại cây ăn quả, cây dược liệu... Mặt khác, với sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã tạo thêm động lực mới để các thế hệ người Hà Nội lập nghiệp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững”.
Sản phẩm tơ lụa truyền thống của người Hà Nội tiếp tục được phát huy tại Nam Tây Nguyên. |
Kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… tại các vùng đất người Hà Nội sinh sống đang phát triển ngày một vượt bậc. Bức tranh Hà Nội trên cao nguyên rất nhiều gam màu thể hiện của đủ đầy hạnh phúc, dạt dào yêu thương. Thời người Hà Nội chỉ trồng cây lương thực và rau xanh để vượt qua đời sống khó khăn đã là quá vãng, giờ là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng động phát triển ngành nghề thủ công như thêu, đan lát, dệt lụa ươm tơ, gò hàn… Và giờ là đầu tư mạnh phát triển các mô hình du lịch - dịch vụ… Chất lượng cuộc sống hôm nay không chỉ là thu nhập bình quân đầu người đạt từ trên 50 đến gần 65 triệu đồng/năm, mà còn là đời sống phong phú về văn hóa tinh thần. Hàng trăm câu lạc bộ về chèo, quan họ, dân vũ, võ thuật, yoga, aerobic, bóng chuyền, bóng đá… phát triển đến mỗi khu dân cư…
4. Đầu năm 1982, một số hộ dân các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Chương Mỹ… thuộc tỉnh Hà Tây cũ đã đặt chân vào vùng quê mới thuộc địa bàn hai huyện cực nam tỉnh Lâm Đồng là Đạ Hoai và Đạ Tẻh. Tháng 6/1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có quyết định thành lập 3 xã: Hà Đông, Mỹ Đức và Quốc Oai. Từ đây bà con các huyện, thị xã của Hà Tây cũ tiếp tục vào lập nghiệp trên quê hương mới Đạ Tẻh. Số dân Hà Nội hiện tại trên địa bàn huyện khoảng 25% với hơn 3.000 hộ.
Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh Nguyễn Mạnh Việt khẳng định: Qua hơn 40 năm lập nghiệp và sinh sống trên mảnh đất Đạ Tẻh, bà con Hà Nội đã thực sự coi đây là quê hương thứ hai của mình. Với tinh thần chịu thương, chịu khó, cần cù lao động, chăm lo phát triển kinh tế gia đình nên đời sống của bà con đang dần ổn định và phát triển. Nhiều người con Hà Nội hiện đang tham gia bộ máy chính quyền và giữ các trọng trách quan trọng ở địa phương. Những truyền thống văn hóa của vùng đất Hà Tây xưa vẫn tiếp tục lưu truyền lan tỏa trên quê hương cực Nam Lâm Đồng…
Người dân Hà Nội trên Nam Tây Nguyên đã đóng góp rất lớn sức mình để xây dựng quê hương mới. Họ đã đặt những dấu ấn đẹp của truyền thống cần cù và thanh lịch, cùng nhân dân 46 tỉnh, thành trên cả nước đoàn kết xây dựng và phát triển tỉnh Lâm Đồng từng bước đi bền vững và giàu bản sắc văn hóa…
Minh Đạo
Ý kiến bạn đọc