Nghề săn dông
Suốt một dải duyên hải miền Trung, các món ăn từ con dông (còn gọi là nhông, kỳ nhông) rất thân thuộc, là món đặc sản, khoái khẩu của nhiều người. Nhưng ít ai biết rằng loài bò sát hoang dã trên cát này đã xóa nghèo và cũng xóa đời không ít người...
Khoái khẩu món dông
Ở phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) có một quán nhỏ không tên, chính xác là có mấy dòng lèo quèo: “Các món dông, lai rai sáng chiều”.
Sau một hồi bật chảo lửa xèo xèo thơm nức, chị Hoa chủ quán bê lên dĩa chả dông nóng hôi hổi, kèm bánh tráng nhúng, rau sống, nước chấm. Ông bạn sành điệu vừa ăn vừa giảng giải cách chế biến, trước sự thẩm định của chị chủ quán. Món chả này là thịt dông băm nhuyễn với ít mộc nhĩ, gia vị rồi cuốn bánh tráng, đem rán. Thoạt trông cũng giống loại chả ram cuốn tôm, thịt heo ở vùng này nhưng hương vị thơm ngon, lạ miệng hơn. Rau sống ăn kèm chả dông phải có thêm dĩa cà chua xanh xắt lát thì mới y bài. Dĩa chả dông vài chục nghìn đồng, kèm với rau dưa là có thể xị xị nhâm nhi lưng lửng bụng.
Một người đào được con dông. |
Tiếp theo là món dông nướng. Ông bạn sành ăn gọi làm hai nhánh, ấy là nem dông và dông nướng nguyên con. Rồi ông tiếp tục giới thiệu: Với món nem, dùng thịt dông băm nhuyễn, ướp gia vị, rồi gói lá ổi thành từng miếng bằng ngón tay cái, xong cho vào vỉ nướng trên lửa than. Với món nướng nguyên con, sau khi làm dông xong, đem ướp gia vị rồi nướng luôn. Món này có thể không hợp với người “yếu tim” nhưng lại vô cùng đậm đà với mấy “bợm nhậu” vì xương dông khá giòn, nhâm nhi cảm giác hơn là dông băm nhuyễn. Mùi dông nướng có thể lôi cuốn các tâm hồn ăn uống cách xa từ hàng cây số.
Chúng tôi kết thúc chương trình ẩm thực dông bằng tô cháo dông bốc khói. Quán còn hàng chục món dông khác, món nào cũng rất bắt. Ví như gỏi dông, canh dông, dông nướng trui, dông hon, dông rôti, cà ri dông…
Là người từng nhiều năm theo nghề đào dông, ông bạn thổ địa còn cho hay, thịt dông là món cơ cấu trong các bàn tiệc tùng, cưới hỏi của người dân vùng này. Nếu thiếu món dông, coi như đám cỗ bất thành.
Vì dông hiếm và đắt nên nghe đâu nhiều quán treo biển thịt dông song lại pha thêm thịt heo để tăng lợi nhuận.
Sống chết với nghề
Xen trong câu chuyện trên bàn tiệc dông, thông tin về những cái chết tức tưởi của người đào dông, dễ làm có kẻ chẳng còn muốn đụng đũa. Mấy chục năm qua, theo đà của con dông lên bàn đặc sản, nhiều người ở đây không thể nhớ hết đã có bao nhiêu cái chết do bị cát vùi trong lúc moi dông. Gần đây nhất là cái chết của ông Tr.V.Kh. (ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên). Xác ông Kh. được người đi tắm biển buổi sáng tại khu vực Bãi Xép, xã An Chấn (Tuy An, Phú Yên) phát hiện trong tình trạng một cánh tay với lên khỏi mặt đất.
Vùng cát thuộc ba xã Hòa Hiệp (Đông Hòa, Phú Yên) được xem là nơi tập kết của lực lượng săn dông. Ông Nguyễn Văn Bình là bạn cùng đào dông lúc ông Kh. chết kể rằng, sáng đó ông cùng ông Kh. và một người nữa chạy xe máy ra Bãi Xép để đào dông. Thường người kỹ tính đi đào dông phải có đôi, để nếu có người sụp cát thì người còn lại lập tức moi tìm hoặc cầm chân kéo ngay ra khỏi đụn cát đang ập kín nạn nhân. Thế nhưng vì “máu” nên rồi mỗi người mỗi hướng, mạnh ai nấy đào. Ông Bình tư lự: “Chiều đó, đào xong, tui và ông bạn lên xe về. Trời bắt đầu tối, nhìn quanh không thấy xe ông Kh., tưởng ổng đã về trước. Ngờ đâu… Chắc là ổng gặp hang dông cồ, nghĩ gặp con bự, nên mải mê moi cát lần theo, bất thần đụn cát ập kín người, tắt thở…”.
Những chiếc bẫy của thợ săn dông. |
Ông Bình giải thích thêm, chiều sâu của hang dông thường từ 1 - 1,5 m. Muốn bắt được con dông trong hang, người đào phải nằm sát đất, mặt úp vào trong lòng hang để rướn theo con dông. Có con trổ ngách khác để ẩn nấp, nên nguy cơ cát bị sụp lún rất cao. Thường khi sụp cát, nửa thân trên bị vùi kín, không có tư thế chống đẩy và đã đuối sức do theo dông, rất dễ dẫn đến chết ngạt.
Mùa đào dông ở đây thường kéo dài 5 - 6 tháng nắng nóng, từ sau Tết (tháng 2 âm lịch) đến mùa mưa là dứt. Chỉ tay ra dãy nhà xây xanh đỏ dọc con đường cát, ông Bình nói: “Dân xóm này nên cửa nên nhà, sắm đồ sắm đạc cũng nhờ nghề đào dông”.
Quả thật, theo ông Hoàng Tấn Ngô ở Phú Hiệp (Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên) đào dông là nghề gia truyền của nhiều hộ ở đây và đã giúp nhiều gia đình đổi đời. Cu Quậy là con ông Ngô mới 15 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 10 năm đào dông. Có những tốp đi đào dông liên tỉnh, có khi cả tháng trời mới về nhà một lần. “Một ngày mà đào được một ký dông, là coi như trúng mánh, 400 - 500 ngàn chớ ít đâu! Ham lắm!”, ông Ngô nói.
Ngoài việc đào, cánh săn dông ở đây còn dùng bẫy. Bẫy dông là một khúc ống tre kèm dây thòng lọng gắn với một cành tre nhỏ làm cánh cung. Khi con dông vướng dây, cánh cung sẽ bật thòng lọng thắt ngang cổ. Bằng kinh nghiệm riêng, người săn sẽ cắm bẫy trước các cửa hang, khi dông mò lên đi ăn thì dính bẫy. Thế nhưng, dông dính bẫy hay bị chết, bán không được. Vậy nên, đi đào là chắc cú nhất.
Dụng cụ đào dông chỉ là một thanh tre vót mảnh dài khoảng 2 m, một cây cuốc và… đôi bàn tay. Dùng thanh tre luồn vào cửa hang, khi thấy dừng lại đoạn nào là dùng cuốc đào theo đoạn đó. Tiếp đó, rút thanh tre ra và dùng tay mò moi theo lớp cát để tìm ngách hang, rồi luồn thanh tre và tiếp tục đào. Thường phải đào hai hiệp mới bắt được con dông. Thế nhưng cuối ngách hang bao giờ con dông cũng có hướng thoát hiểm nên đôi lúc mất công đào mà không bắt được là chuyện thường. Có người chết vì cát vùi, khi đưa xác lên, bàn tay vẫn còn cầm chặt con dông.
Nhiều gia đình ở đây đã tổ chức nuôi dông nhưng rồi vì nhiều lý do, sản lượng cũng chẳng thấm tháp so với nhu cầu thị trường. Thôi thì đành tặc lưỡi, lần hồi xách bao đi đào dông cho mau thấy.
Trên đường về, ghé lại quán chị Hoa để uống nước, chúng tôi chợt thấy nao lòng với từng chùm dông, bao đựng dông ra vào cửa quán. Khuôn mặt của những người săn dông vẫn đen đúa cát cháy…
Đức Tuấn
Ý kiến bạn đọc