Những ngôi làng bước ra từ bóng tối (bài 1)
Có những ngôi làng ở Tây Nguyên từng phải sống trong đói khổ cùng cực, bị cộng đồng xa lánh vì căn bệnh phong quái ác, những niềm tin ma lai, thuốc thư nhảm nhí khiến bao cảnh nhà tan nát hay sa đà vào tệ nạn rượu chè... Từ bóng tối ấy, nhiều ngôi làng đã bước ra ánh sáng, cuộc đời người dân đã sang trang...
Bài 1: Ngôi làng không tên
Cho đến những năm cuối của thế kỷ trước, những làng phong trên vùng đất Tây Nguyên đều được mặc định bằng hai từ đầy ám ảnh: “Làng cùi”. “Làng cùi Ia Bòong” (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) từng không chỉ không tên mà cuộc sống những con người ở đây tất cả chỉ là một số 0 tròn trĩnh…
“Bản lý lịch” của quá khứ
Còn nhớ, đó là một ngày đầu mùa mưa năm 1999... Sau rất nhiều chần chừ, cuối cùng tôi quyết định bỏ chiếc xe máy cà tàng, bê bết đất lại trên đỉnh dốc đi bộ vào làng.
Ghé vào căn nhà đầu tiên để hỏi thăm, chẳng ngờ lại đúng nhà Trưởng thôn Rơ Châm Biu. Đó là một người đàn ông nhỏ thó; tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm. “Mình bị bà con “bắt” làm trưởng thôn vì cả làng chỉ mình biết chữ (học “xóa mù” được 9 tháng) và cũng vì không đi đâu được” – ông chỉ vào chiếc chân bị liệt, co quắp – “suốt ngày chỉ biết ngồi trông làng”.
Có thể nói “lịch sử” ngôi làng khổ đau này bắt đầu từ Rơ Châm Biu. Ông không mắc bệnh phong nhưng vợ bị bệnh nên mới chịu “bắt” ông. Bị làng đuổi, Rơ Châm Biu cùng 5 hộ “đồng bệnh tương lân” đến đất này làm “hoa tiêu” để các hộ khác tụ về. “Anh bảo mình kể người khổ à? Nhưng ai cũng khổ cả thì biết so làm sao?” – “Là người có ít lúa ăn nhất, ít heo, bò nhất chẳng hạn?” – “Nhưng mà ai cũng ăn được một tháng thì hết lúa, ai cũng không có bò, heo gì cả thì biết ai hơn ai cái gì?”...
Câu chuyện giữa Rơ Châm Biu và tôi mới bắt đầu như vậy thì ngoài cửa bỗng có tiếng ồn ào. Hóa ra, tưởng là cán bộ xuống làng có chuyện gì, một đám đông chừng 20 người đủ già trẻ, lớn bé chen nhau nhìn vào. “À, có mấy người làm “thí dụ” tới đây rồi” – Rơ Châm Biu cười – “Người khổ thứ nhất: Siu Piep...”.
![]() |
Ông Rơ Châm Biu (ngồi xe lăn), một trong những người may mắn được chứng kiến sự đổi thay của làng Khơ. |
Nhìn theo tay ông chỉ, tôi thoáng rùng mình. Một người đàn bà chừng 40 tuổi cởi trần, mặc chiếc váy đã bạc phếch; hai bàn tay bị cụt hết ngón, đôi mắt lờ đờ như người sau cơn động kinh, đang dựa lưng vào cầu thang. Rơ Châm Biu kể: “Nó khổ lắm, bị cùi từ nhỏ nên không bắt được chồng. Bị cụt hai tay thì làm được gì, cứ ai cho cái gì thì ăn; hết thì đi vặt lá mì luộc. Chị nó cũng bị cùi, chồng chết rồi, cũng khổ sắp bằng nó... Còn kia, ông Siu Chơr, người có bàn tay chỉ còn 2 ngón đó. Không phải cùi đâu, nghịch pháo bị nổ toét tay. Vợ cũng không bị cùi nhưng con bị bệnh nên làng đuổi. Già rồi không làm gì được, con cái cũng không nhờ được, phải đi đào củ mài để ăn quanh năm... Còn kia, già làng Rơ Lan A Roay đó. A Roay bệnh nhẹ nhưng vợ bị cùi ăn cụt cả hai chân, hai tay nên phải nằm một chỗ. Có 3 đứa con thì chết 1 đứa; 65 tuổi mà phải nuôi vợ nuôi con, đói lắm! Kia là bà Siu Le. Đừng hỏi tuổi, nó không biết đâu. Nó có 5 đứa con, 3 đứa đã bắt vợ, còn 2. Mình chưa bao giờ thấy mẹ con nó ăn cơm, chỉ củ mì chấm muối thôi. Mà muối cũng không đủ, cứ thấy nó đi xin miết miết”.
“Đói ăn đã là cái khổ nhưng cũng chưa bằng cái khổ bị các làng xa lánh đâu” – Rơ Châm Biu châm lại điếu thuốc sâu kèn đã tắt ngấm vì mải chuyện, rít một hơi rồi kể tiếp: “Trong 78 người làng mình chỉ có 18 người là bị bệnh thôi. Thế nhưng với các làng xung quanh đây thì cả làng đều bệnh cả. Con nít ở đây ra làng T’nao xin học, người T’nao đuổi về. Lũ thanh niên muốn bắt vợ, bắt chồng chỉ nhắm trong làng. Người làng khác chỉ có thằng Blô, vì thấy con Siu Phun đẹp quá nên liều “bắt”. Nhưng mới được hai tháng, nghe người ta dọa sao đó, nó bỏ vợ trốn về làng. Chắc lo không “bắt’ được vợ, được chồng nên chúng nó lấy nhau sớm lắm. Siu Phun bắt chồng mới 13 tuổi chưa phải nhỏ nhất đâu. Nhiều đứa còn ít hơn thế, như con H’Pít, mới 11 tuổi mà đã “bắt” thằng Rơ Ma Dăn 14 tuổi làm chồng”…
Tiễn biệt những ngày buồn
“Năm 2006, “Làng cùi Ia Bòong” mới được định danh trong danh bạ hành chính với cái tên: Làng Khơ. “Khơ” là tên một con suối gần làng. Đây cũng là thời điểm “ngôi làng bóng đêm” bắt đầu ra khỏi bóng đêm” - Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ Rơ Châm Phan thông báo vắn tắt như vậy trước khi đưa tôi xuống làng.
Bây giờ, làng Khơ mở ra trước mắt tôi với con đường bê tông rộng rãi chia làng thành hai nửa. Những cụm hoa giấy bên vệ đường chấp chới từng đốm đỏ loe như thắp lửa. Không gian nồng hơi nắng. Tiếng ve râm ran trong những vườn điều lấp ló từng chùm quả mọng vàng. Tôi cố định hình một dấu vết còn lại nào đó của chuyến đi làng hơn 20 năm trước nhưng không còn... “Chắc con đường vào làng hồi đó là một lối mòn do nước xói mà thành. Mọi sự đổi thay bắt đầu từ con đường đấy chú ạ...” – Rơ Châm Phan nói.
Và Phan kể, ngày đó không riêng lối vào làng, từ nơi giáp giới với Công ty Cao su Chư Prông tới đây là con đường đất nước xói nham nhở, lọt giữa hai dải rừng hoang. Thời điểm con đường 663 được nối dài và thảm nhựa, điện theo vào và tiếp đó là các chương trình mục tiêu quốc gia lần lượt được ưu tiên đầu tư cho làng Khơ. Rồi các đoàn từ thiện cũng tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ... Những sự quan tâm đó như làn gió mát thức tỉnh làng Khơ. Điều, cao su, cà phê... những thứ cây chưa bao giờ có trong ý nghĩ của họ đã lần lượt cắm rễ đất này. Nhờ “đổi mới tư duy” theo cung cách làm ăn mới, làng Khơ nhẫn nại vươn lên từng bước. Đến thời điểm này, làng đã có 7/41 hộ làm ăn khá. Chẳng hạn như hộ ông Rơ Lan Phin có đủ các loại cây công nghiệp giá trị: cao su tiểu điền, cà phê, điều; ngoài ra còn kết hợp chăn nuôi bò. Mỗi năm ông thu nhập ước trên 200 triệu đồng...
![]() |
Đường vào làng Khơ hôm nay. |
So với sự đổi thay về mặt đời sống còn có phần khiêm tốn, giáo dục mới là lĩnh vực phát triển đáng mừng nhất của làng Khơ. Từ duy nhất một người biết chữ, bây giờ làng Khơ đang có 30 học sinh tiểu học, 6 cháu học THCS và 2 cháu học lớp 10: Siu Ka và Rơ Châm Khay. Đây cũng là hai tấm gương hiếu học tiêu biểu của làng. Rơ Châm Khay mồ côi cha; mẹ em một mình nuôi 2 con, tuy khó khăn nhưng vẫn cố dốc hết để nuôi con ăn học. Trường tận thị trấn, cách nhà 15 km, mẹ Khay đã thuê nhà cho con ở trọ để có thời gian học hành cho bằng bạn bè. Còn Siu Ka có mẹ trước đây bị bệnh phong, nhà ít đất nên nguồn sống chủ yếu dựa vào việc làm thuê. Dù đạp xe ngày hai lần trên quãng đường gần 30 km với những dốc cao, nắng cháy, khói bụi... nhưng không trở lực nào làm nản được ý chí học hành của Siu Ka.
Những điều Rơ Châm Phan kể càng khẳng định ý nghĩ nhất quán trong tôi rằng: người làng Khơ đang nỗ lực bứt lên những cố hữu của cuộc sống cũ trì kéo. Trong cuộc chiến ý thức đầy cam go đó, họ đã biết chọn con đường học vấn để làm vũ khí đột phá. Và đây có lẽ cũng là sự đổi thay lớn lao nhất, có ý nghĩa nhất với ngôi làng từng một thời sống trong “bóng đêm” này...
Chiều muộn, nghe tôi ngỏ ý muốn gặp lại những người bệnh cũ năm nào, Phan bảo: “Chỉ 3 người còn sống thôi. Đó là Rơ Châm Biu, Rơ Lan Phem, Rơ Châm Kluyn. Nói chung con cái họ bây giờ đều có vợ, có chồng; cuộc sống đều bình thường cả. “Người cũ” khổ nhất chỉ bà Siu Piep, nhưng bà vừa mới mất chiều hôm qua đây”.
Siu Piep – cái tên chợt lóe lên trong tôi hình ảnh người đàn bà đau khổ, cô đơn bi đát nhất làng ngày ấy! “Ai làm ma cho bà?”, tôi tò mò hỏi. “Cả làng cùng chung tay chú ạ. Bây giờ người ta có sợ nữa đâu”, Phan bảo.
Nghe Phan nói, tôi bỗng cảm giác “bản lý lịch khổ đau” của làng ngày ấy chỉ còn là một câu chuyện cổ tích từ thuở xa xăm nào...
(Còn nữa)
Bài 2: Ngôi làng “sáng xỉn, chiều say”
Ngọc Tấn
Ý kiến bạn đọc