Multimedia Đọc Báo in

Làng Thành Phố với mỹ nhân và khanh tướng

09:10, 06/07/2025

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhiều vùng đất trở thành chiến trường bị tàn phá nặng nề, nhưng riêng mảnh đất nhỏ nằm cuối dòng Cửu Long giữa hai nhánh của Cửa Tiểu và Cửa Đại lại không hề hấn gì.

Đó chính là Gò Công, trước đây thuộc tỉnh Tiền Giang, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, nơi mệnh danh đất hiền đất lành mà Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chọn làm căn cứ khởi nghĩa.

Ở nơi… “đất như cao, trời như thấp lại”

Còn nhớ, từ giữa thập niên 1980, địa danh Gò Công bỗng vang lừng khắp cả nước qua giọng ca trữ tình ngọt ngào của hai chị em ca sĩ Bảo Yến và Nhã Phương trong băng nhạc cassette được nhạc sĩ Quốc Dũng biên tập, hòa âm, phối khí 15 tình khúc bolero của nhạc sĩ Hoàng Phương từ quê Gò Công. Để rồi mỗi lần về vùng đất này trong tôi lại rung ngân những câu ca da diết quen thuộc trong bài Mẹ Gò Công:

Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công

Đất như cao, trời như thấp lại

Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng

Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công

Những ca khúc vừa nồng nàn say đắm vừa mênh mang hào khí của nhà thơ - nhạc sĩ Hoàng Phương, một người con suốt đời gắn bó và tự hào về quê hương bên cửa sông Tiền với hào khí của anh hùng Trương Định cùng nghĩa quân “dân ấp dân lân” dũng cảm chiến đấu chống Pháp năm xưa: Cuối dòng sông Cửu Long, trước mặt nhìn Biển Đông/ Bên cửa con sông Tiền, quê tôi Gò Công/ Đây quê hương Trương Định tranh đấu/ Đất thiêng liêng ngàn đời khắc ghi sử hồng (Gò Công hồng trang sử).

Nhà Đốc Phủ Hải - công trình kiến trúc cổ này gắn liền với cuộc đời bà Trần Thị Sanh, vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định.

Theo sử sách, từ năm 1755, quốc vương Nặc Nguyên của nước Chân Lạp đã dâng lễ vật cùng hai phủ Lôi Lạt và Tầm Bôn để chuộc tội và cầu cứu sự ủng hộ của chúa Nguyễn. Theo kế sách “tằm ăn dâu” của danh tướng Nguyễn Cư Trinh, hai phủ trên đã được chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thu nạp, về sau Lôi Lạt trở thành Gò Công, còn Tầm Bôn thành Tân An của tỉnh Long An (cũ), nay thuộc tỉnh Tây Ninh. Trải qua bao thăng trầm với nhiều tên gọi, nhưng địa danh Gò Công mãi mãi đi vào ký ức người Việt như một trong mảnh đất đặc biệt, an lành, trù phú và đầy hào khí.

Đất hội tụ cuối cùng sơn thủy và làng Thành Phố

So với Đồng bằng Nam Bộ mênh mông “cò bay thẳng cánh” thì Gò Công xưa chỉ là mảnh đất nhỏ, diện tích chỉ vào khoảng 58.000 ha. Nghĩa là chỉ bằng một phần ba diện tích ruộng đất thuộc quyền sở hữu của bá hộ Trần Trinh Trạch - cha công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy: 180.000 ha. Tuy nhiên, nhờ nằm trong lưu vực giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, Gò Công có vị thế riêng của đất “long đầu phượng y” (đầu rồng đuôi phượng), được xem là nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy (sơn – dãy núi Trường Sơn bắt nguồn từ Tây Tạng hùng vĩ và thủy - hai nhánh sông Cửa Đại và Cửa Tiểu trong chín nhánh Cửu Long).

 

Cùng với làng Thành Phố, Gò Công còn nhiều di tích khác mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa của một thời cha ông khẩn hoang mở đất đánh giặc giữ nước. Đó là Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định và Đám lá tối trời – Gia Thuận, cùng khu di tích Lũy Pháo Đài Trương Định; Lăng Hoàng gia, Lăng Võ Tánh, Văn Thánh Miếu, Đình Trung, Dinh Tham biện và nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ...

Theo các nhà nghiên cứu, nhờ vị thế hội tụ đó mà Gò Công tương đối yên ổn, ít bị bom đạn giày xéo trong chiến tranh như những vùng lân cận. Đất lành, Gò Công được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều đặc sản nước lợ, nước mặn để chế biến những món ăn dân gian lẫn tiến vua độc đáo. Đây cũng là đất phát tích văn chương, sinh ra nhà văn Hồ Biểu Chánh, cây bút văn xuôi đóng góp quan trọng vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết nước ta buổi đầu phôi thai. Trong khi đó, nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, người phụ nữ đầu tiên đã đăng thơ, viết bài, đăng đàn diễn thuyết hô hào cho phong trào Thơ Mới, còn cha bà là Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, cũng là một cây bút xông xáo trong làng báo lúc bấy giờ.

Đặc biệt, Gò Công đã cưu mang, che chở Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định cùng nghĩa quân chống Pháp, đồng thời sản sinh nhiều bậc công hầu khanh tướng nhà Nguyễn như: Lương Năng bá Nguyễn Văn Hiếu, Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, Tri huyện Đỗ Trình Thoại, Bình Tây Nhị lang Nguyên soái Trương Quyền, và các mỹ nhân ngôi cao: Thái hậu Từ Dụ, Thứ phi Đinh Thị Hạnh của vua Thiệu Trị, Hoàng hậu Nam Phương của vua Bảo Đại…

Về quân sự, nếu như thế kỷ 18 – 19, Gò Công sinh ra các danh tướng như Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Trình Thoại, Trương Quyền thì đến thế kỷ 20, Gò Công cũng xuất hiện hai vị tướng nổi tiếng. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa của Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1979. Tướng Sáu Nghĩa từng là Chính ủy Sư đoàn 5, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, Chính ủy Quân đoàn 4, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trước khi ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi là Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sau khi hai ban của Trung ương Đảng hợp nhất từ ngày 3/2/2025.

Du khách tham quan Lăng Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, thân phụ của Thái hậu Từ Dụ.

Không phải ngẫu nhiên người Gò Công hay tự hào rằng quê mình có “thành phố” đầu tiên của Nam Bộ. Theo nhà thơ - nhà nghiên cứu sử học Lê Ái Siêm, từ ngày 31/3/1885, tòa Tham biện Gò Công đã chứng nhận một nghị định đổi tên làng của chính quyền thuộc địa được đăng trên tờ Gia Định Báo. Hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi vốn cách nhau bởi con rạch Cửa Khâu đã được sáp nhập làm một và mang tên làng Thành Phố thuộc tổng Hòa Lạc Hạ. Mấy năm sau, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định về việc đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh kể từ ngày 1/1/1900. Hạt tham biện Gò Công trở thành tỉnh Gò Công, tỉnh lỵ đặt tại làng Thành Phố. Và theo dòng thời gian đã diễn ra nhiều phân chia, thay đổi lên xuống về hành chính nhưng làng Thành Phố vẫn luôn là thủ phủ trung tâm của Gò Công.

Nhà giáo Ưu tú Phan Thanh Sắc là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về quê hương Gò Công, cho rằng làng Thành Phố là một mô hình độc đáo khi thành phố được xây dựng trong làng. Ngoài sự sung túc phố xá, cầu đường, chợ búa thì làng Thành Phố còn đa dạng, đặc trưng về kiến trúc, kiểu dáng. Khuôn viên mỗi ngôi nhà cổ thường có hàng rào bằng nhiều loại cây bụi thấp như dâm bụt, bông trang, bùm sụm, duối, quýt dại. Làng Thành Phố mang dáng dấp của một đô thị sầm uất, với chợ trung tâm nội ô nằm bên con rạch lớn, những ô phố bàn cờ với đường hẹp và ngắn, những dãy phố mái ngói âm dương…

Cũng theo nhà nghiên cứu Lê Ái Siêm: “Không phải ngẫu nhiên người Pháp đặt tên “làng Thành Phố” cho đô thị Gò Công từ năm 1885, một làng thành phố duy nhất ở xứ thuộc địa. Người Pháp đi xâm lược với cách gọi mỹ miều là “đi khai hóa cho những dân tộc lạc hậu”. Họ đi “khai hóa” bằng tàu chiến và súng đại bác. Bởi thế mà từ đất Gò Công, người anh hùng dân tộc Trương Định đứng lên, người đầu tiên của Việt Nam tập hợp quân đồn điền của mình để tiến hành cuộc kháng chiến. Từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên này, người Nam Bộ đã nhóm lên hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc khởi nghĩa khác, để có câu nói “Bao giờ hết cỏ thì nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, còn người Tây thì nói “Ở xứ An Nam này, mỗi người là một trung tâm kháng chiến”.

Phan Phú Yên


Ý kiến bạn đọc