Bất ổn tại Afghanistan
Cùng với việc các lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan, tình hình an ninh ở quốc gia này cũng xấu đi nhanh chóng. Các cuộc giao tranh giữa quân Chính phủ và lực lượng Taliban diễn ra liên tục và dữ dội.
Tình hình tại Afghanistan
Ngày 7-7, Thống đốc tỉnh Badghis (Afghanistan), ông Hessamuddin Shams cho biết lực lượng Taliban đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào phía tây thành phố Qala-i-Naw, thủ phủ của tỉnh Badghis, kể từ khi bắt đầu phát động một cuộc tấn công lớn chống lại Chính phủ. Theo ông Hessamuddin Shams, giao tranh ác liệt đã xảy ra ở thành phố này, sau khi lực lượng Taliban chiếm được tất cả các quận xung quanh tỉnh.
Chiến sự Afghanistan đang ngày một nóng, đặc biệt là sau khi Taliban tấn công ồ ạt, chiếm cứ một số quận, huyện thuộc tỉnh Badakhshan hôm 4-7 vừa qua, khiến hơn 1.000 binh sĩ phải tháo chạy sang quốc gia láng giềng Tajikistan trong khi khoảng 2.300 binh sĩ Afghanistan phải rời bỏ vị trí của mình. Ngoài ra, trên các trang truyền thông địa phương, nhiều vụ binh sĩ quân đội Afghanistan đã giao nộp vũ khí cho phía Taliban cũng được công bố. Tuy nhiên, theo thông tin sau đó từ Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib, hiện các binh sĩ Afghanistan từng rời bỏ vị trí chiến đấu đã quay trở lại cuộc chiến chống Taliban; trong khi số binh sĩ bỏ sang Tajikistan cũng đang được đưa trở lại bằng đường hàng không.
Giao tranh giữa hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Taliban vẫn đang tiến hành nhiều vụ đánh bom trên khắp đất nước.
Kể từ thời điểm đầu tháng 5-2021, khi Mỹ và các đồng minh trong NATO bắt đầu quá trình rút quân cuối cùng (là điều khoản trong thỏa thuận Hòa bình mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký với Taliban tháng 2-2020), tình hình an ninh tại Afghanistan càng trở nên rối ren. Taliban gia tăng các hoạt động khủng bố và tổ chức tấn công nhằm lấn chiếm lãnh thổ trên quy mô lớn khi biết Mỹ sẽ khó lòng hỗ trợ quân sự cho chính phủ Afghanistan thêm nữa. Kể từ giữa tháng 4 tới cuối tháng 6, Taliban đã giành quyền kiểm soát của hơn 50 quận, huyện trên toàn quốc. Hiện Taliban đang nắm trong tay vùng lãnh thổ gồm 124 quận, trong khi 186 quận khác đang là nơi tranh chấp với quân chính phủ.
Làn sóng bạo lực mới mà Taliban phát động đang gây ra lo lắng và hoảng sợ với dân thường Afghanistan. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố thúc đẩy rất nhiều cộng đồng địa phương đoàn kết và tự vũ trang chống lại Taliban, bảo vệ mảnh đất của mình. Còn với chính phủ Afghanistan, họ vẫn tuyên bố sẽ giành lại các khu vực đã rơi vào tay phiến quân Taliban, nhưng với cục diện hiện nay, sẽ rất khó cho binh lính chính phủ Afghanistan giữ được các vùng đất còn lại, chứ chưa nói gì tới phản công giành lại các khu vực đã mất.
Người đứng đầu Hội đồng Hòa giải quốc gia Afghanistan, ông Abdullah Abdullah lo ngại: “Với việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan, cuộc chiến tại đây đã trở nên khốc liệt hơn rất nhiều. Việc rút quân đã để lại những khoảng trống ở một số nơi. Thật không may, Taliban đã lợi dụng cơ hội này, bất chấp việc các bên đang đàm phán ở Doha, Qatar. Thực tế, các cuộc đối thoại này tới nay cũng chưa có tiến triển”.
Lo ngại bất ổn an ninh khu vực
Việc Taliban đang trở lại với các cuộc tấn công và giành giật lãnh thổ là điều đáng lo ngại. Taliban không giấu việc khôi phục trật tự cai trị hà khắc như trong quá khứ. Việc Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước cũng tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố Hồi giáo như al-Qaeda, IS…- những tổ chức từng có liên hệ mật thiết với Taliban có thể sẽ trở lại để gây dựng lực lượng và mở rộng hoạt động tại đây.
Afghanistan với vị trí địa lý mang tính chiến lược là cầu nối giữa khu vực Nam Á với các quốc gia Trung Á, giữa Đông và Tây Á. Chính bởi vậy, bất cứ một sự thay đổi nào ở đất nước này cũng sẽ có ảnh hưởng lan truyền tới khu vực. Trước tiên sẽ có thể là một thảm họa nhân đạo khi hàng triệu người Afghanistan sẽ phải bỏ quê hương đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Tiếp đến là những nguy cơ an ninh, khủng bố theo sau các mối quan hệ chằng chịt tại khu vực. Một khi đất nước Afghanistan trở lại với vòng nội chiến và bạo lực, nơi đây sẽ trở thành trung tâm bất ổn không chỉ với các nước láng giềng.
Trước sức ép lớn từ dư luận rằng làm thế nào để đảm bảo thành quả tiến bộ trong 20 năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã đưa ra nhiều lời hứa sẽ thúc đẩy hợp tác về ngoại giao, kinh tế cũng như an ninh quốc phòng với Afghanistan sau khi rút quân. Ông cũng bàn đến việc đưa công dân Afghanistan từng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến rời khỏi đất nước với giới lãnh đạo Afghanistan trong chuyến thăm Mỹ mới đây. Mỹ rút khỏi
nhưng không có nghĩa rời bỏ khu vực này. Mỹ được cho là đang đàm phán với Pakistan và 3 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan để có thể tái phân bổ lực lượng an ninh tới đây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đang theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra ở Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng sử dụng căn cứ quân sự tại Tajikistan, một trong những căn cứ lớn nhất của Nga ở nước ngoài, để đảm bảo an ninh cho các đồng minh trong khu vực - một phần thuộc Liên Xô trước đây và một khu vực mà Moskva đang cố gắng duy trì ảnh hưởng.
Trong khi đó, ngày 6-7 Anh tuyên bố vẫn giữ quyền tấn công ở Afghanistan từ bên ngoài lãnh thổ quốc gia này, sau khi rút quân, để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Còn Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thuộc NATO cũng đang quan tâm đến việc tiếp quản an ninh tại sân bay thủ đô Kabul, Afghanistan sau khi các nước NATO rút hết quân.
Ngoài ra, nhiều láng giềng khu vực khác như Iran, Ấn Độ cũng sẽ theo dõi sát những biến chuyển trên thực địa ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, sau khi Mỹ với các đồng minh rút quân, Afghanistan sẽ phải tự quyết định tương lai của mình: bạo lực hay hòa bình, đối thoại hay xung đột sẽ do các bên Afghanistan quyết định.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc