Những thông điệp từ đại dịch COVID-19
Virus không chỉ là... virus
Ngay khi đại dịch xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, vấn đề nguồn gốc virus SARS-CoV-2 được xới lên. Báo cáo tháng 2-2020 của nhóm chuyên gia WHO không giải tỏa được nỗi nghi ngờ, nhất là câu hỏi về nguồn gốc virus và thời điểm dịch xuất hiện. Nhiều nhà khoa học và chính phủ yêu cầu tiếp tục điều tra, làm rõ hơn các vấn đề tranh cãi.
Một nhóm các nhà khoa học của Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu nguồn gốc virus. Họ cảnh báo trên tạp chí Nature cuối tháng 8-2021: “…cánh cửa dẫn cuộc điều tra quan trọng này đến cơ hội có thể tìm ra nguyên nhân đang nhanh chóng đóng lại”.
Việc lần theo dấu vết sinh học của virus trở nên khó khăn do các bằng chứng biến mất hoặc bị hư hỏng.
Sự “tinh quái”, tốc độ lây lan nhanh, biến đổi liên tục của virus càng làm dấy lên mối nghi ngờ về nguồn gốc nhân tạo. Tổng thống Joe Biden yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực điều tra virus từ thiên nhiên hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Ông hối thúc WHO điều tra giai đoạn 2, đồng thời yêu cầu Trung Quốc cung cấp quyền truy cập tất cả các dữ liệu liên quan, bảo đảm cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch. Yêu cầu đó gián tiếp nói Bắc Kinh không minh bạch, che giấu thông tin liên quan.
Bắc Kinh ngay lập tức phản đối, cáo buộc Washington và một số chính phủ khác “chính trị hóa” vấn đề nguồn gốc virus, nhằm che giấu sự bất lực trong đối phó với đại dịch COVID-19.
Không đồng ý để WHO điều tra giai đoạn 2, Trung Quốc phản công lại bằng giả thiết virus xuất hiện ở nước ngoài trước khi bùng phát ở Vũ Hán; yêu cầu điều tra ngay tại Mỹ và một số nước nói Trung Quốc che giấu dịch.
Gần 2 năm trôi qua kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters/Baoquocte.vn) |
Trong lúc các bên tranh cãi kịch liệt, thì xuất hiện nhiều biến thể virus mới nguy hiểm, dẫn đến làn sóng đại dịch thứ tư.
Tính đến ngày 15-9, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,6 triệu người, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, đại dịch cùng với biến đổi khí hậu và chiến tranh có thể là những nguyên nhân dẫn đến hủy diệt sự sống trên Trái đất.
Các nền y tế hàng đầu thế giới đã có lúc thúc thủ trước đại dịch COVID-19. Ở các nước đang và kém phát triển, tình hình còn tồi tệ hơn.
Hơn bao giờ hết, thế giới cần sự chung tay. Nhưng một số nước điều tra nguồn gốc virus nhằm mục đích khác, gắn hỗ trợ vắc xin với điều kiện chính trị, kinh tế… Điều đó gây chia rẽ quan hệ quốc tế, phân tán nguồn lực, giảm hiệu quả, phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Cuộc chạy đua vắc xin
Mong muốn một buổi sáng đẹp trời, nhân loại thức giấc với tuyên bố virus bị loại khỏi đời sống, vẫn chỉ là giấc mơ. Chúng ta sẽ phải chung sống với các biến thể virus. Công cụ phòng, chống hữu hiệu là vắc xin.
Theo chuyên gia, điều kiện cần để xã hội trở lại trạng thái bình thường là tiêm chủng rộng rãi, bảo đảm 60-75% người trong cộng đồng có miễn dịch với COVID-19. Một số nước thu nhập cao đã đạt mức trên. Nhưng nhiều quốc gia nhóm thu nhập trung bình và thấp, mới chỉ đạt khoảng 1% dân số, Congo, Haiti thậm chí là 0,1%.
Virus không có biên giới. Nếu không phổ cập tiêm chủng đạt mức tối thiểu trên toàn cầu, lại sẽ có những ổ dịch mới, xuất hiện biến thể virus mới, nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, khả năng sản xuất, cung ứng vắc xin trên toàn cầu còn cách xa so với nhu cầu. Theo số liệu của WHO, 6 tháng đầu năm 2021, thế giới sản xuất được 4,5 tỷ liều vắc xin /10 tỷ liều yêu cầu.
Tình trạng khan hiếm vắc xin càng trầm trọng do sự tiếp cận bất bình đẳng, đứt gãy chuỗi cung ứng công nghệ sản xuất vắc xin trên toàn cầu và một số nước tích trữ quá mức. Nhóm G7 và EU cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc xin, nhưng mới chuyển giao chưa tới 15%. Các nước giàu dư có thể dư 1,2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021. EU đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% công dân của Liên minh và đối tác, cao gấp đôi mục tiêu 20% của WHO. Một số nước đã tiêm bổ sung mũi thứ ba.
Lan truyền thông tin gây “dị ứng” với một số loại vắc xin. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích châu Âu “bài xích vô cớ” vắc xin Sputnik V. Việc “chính trị hóa” góp phần cản trở lưu thông vắc xin trên toàn cầu.
Hộ chiếu vắc xin thành điều kiện bắt buộc khi nhập cảnh vào nhiều quốc gia. Một số nước coi vắc xin là công cụ để gia tăng ảnh hưởng. Tình trạng đó làm cho việc sản xuất, tiêm chủng vắc xin trở thành cuộc chạy đua nước rút.
Việt Nam và thế giới
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin, bảo đảm tiêm chủng cho 70% dân số. Đến ngày 15-9, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 35 triệu liều vắc xin. Dự kiến đến cuối năm 2021, tổng cộng khoảng 100 triệu liều vắc xin được nhập về Việt Nam.
Nguồn cung cấp vắc xin của Việt Nam cũng khá đa dạng. Liên hợp quốc hỗ trợ gần 10 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX. Nga cam kết cung cấp 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Việt Nam là 1 trong 7 đối tượng ưu tiên cung cấp vắc xin của Mỹ. Cuba, Nhật Bản, nhiều nước châu Âu tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam.
Trong điều kiện nguồn vắc xin khan hiếm, có tiền chưa chắc mua được, thì đây là điều gây chú ý. Truyền thông lý giải do nhiều nguyên nhân. Theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia), “các nước châu Âu có nhiều động cơ khác nhau, kết hợp giữa lợi ích quốc gia và chủ nghĩa vị tha”.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân ở Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam là đối tác thương mại số một của EU ở Đông Nam Á. Tiếp cận Việt Nam là tiếp cận thị trường hơn 650 triệu người của ASEAN và hơn 800 triệu người của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các nước EU có lợi khi kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Với vị thế địa chính trị quan trọng, Việt Nam là cầu nối để EU gia tăng ảnh hưởng, lợi ích chiến lược ở Đông Nam Á, rộng ra là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Năm 2020, khi đại dịch càn quét nhiều nước châu Âu, Chính phủ Việt Nam đã gửi tặng đồ bảo hộ, khẩu trang; các hội hữu nghị Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức quyên góp tiền, chung tay cùng nhân dân nước sở tại chống dịch.
Sự thủy chung, tình cảm chân thành của Việt Nam trong hoạn nạn để lại dấu ấn trong lòng bạn bè.
Đảng, Nhà nước Việt Nam sớm đề ra chiến lược phòng, chống đại dịch COVID-19, trong đó chiến lược vắc xin là một nội dung cơ bản. Ngoại giao vắc xin là mũi nhọn, mặt trận then chốt của chiến lược vắc xin.
Bộ Chính trị, Chính phủ tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản. Các kênh ngoại giao, mọi mối quan hệ, cả song phương, đa phương được huy động tham gia chiến lược vắc xin.
Lãnh đạo Việt Nam trực tiếp điện đàm, gửi thư cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế trao đổi về vấn đề vắc xin. Có thể nói không cuộc làm việc nào không đề cập về hợp tác, hỗ trợ tiếp cận nguồn vắc xin. Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các Đại sứ quán, 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.
Chúng ta cũng chủ động nghiên cứu sản xuất một số loại vắc xin, đạt kết quả bước đầu. Việc đó trở thành nguồn cảm hứng cho tinh thần dân tộc.
Ngoại giao vắc xin là kết quả của đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam.
Hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước tình nguyện đến hỗ trợ tâm dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Lực lượng vũ trang làm mọi việc có thể để chống “giặc dịch” ở tuyến đầu. Khó khăn thôi thúc sự sẻ chia, xả thân, đồng lòng của mọi tầng lớp xã hội, với nhiều hình thức, câu chuyện xúc động.
Điều tốt đẹp nảy nở một cách tự nhiên, bởi đó là truyền thống, đã ngấm sâu vào máu, vào hồn dân tộc. Đó là “vắc xin” quý giá của Việt Nam, trước mọi thách thức.
Bên cạnh đó, nơi này, lúc kia, chúng ta còn bộc lộ lúng túng, bất cập trong một số công việc phòng, chống đại dịch. Một số ít kẻ lợi dụng trục lợi, thông tin bịa đặt, gây nhiễu loạn, chống phá… Cuộc sống vẫn đan xen nhiều gam màu, nhưng màu sáng vẫn nổi trội.
Đại dịch là điều không mong muốn, nhưng cũng để lại nhiều thông điệp và bài học rất đáng lưu tâm.
Theo baoquocte.vn
Ý kiến bạn đọc