Afghanistan trước nguy cơ khủng hoảng “kép” kinh tế và nhân đạo
Liên minh châu Âu đã thông báo một gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD) nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế - xã hội và nhân đạo tại Afghanistan cũng như hỗ trợ cho các quốc gia láng giềng. Hàn Quốc cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afghanistan trong 20 năm tới. Nhật Bản cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm nay.
Đây là hàng loạt những cam kết lớn đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về Aghanistan diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 12-10. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Italy, nước Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2021, với yêu cầu cấp bách là ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo, đảm bảo quyền con người, nhất là phụ nữ và trẻ em, đồng thời ứng phó với sự gia tăng các dòng người di cư, tị nạn từ Afghanistan.
Hội nghị khẩn cấp của G20 về khủng hoảng Afghanistan được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi rằng quốc gia Tây Nam Á này đang đứng trước bờ vực thẳm của một cuộc khủng hoảng "kép" kinh tế và nhân đạo. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Với việc tài sản bị đóng băng và viện trợ phát triển bị tạm dừng, nền kinh tế Afghanistan đang suy thoái, các ngân hàng đóng cửa và các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe đã bị dừng lại ở nhiều nơi. Chúng ta cần tìm cách hồi sinh nền kinh tế quốc gia này. Điều này có thể được thực hiện mà không vi phạm luật pháp quốc tế hoặc các nguyên tắc thỏa hiệp. Tôi kêu gọi thế giới hành động và bơm thanh khoản vào nền kinh tế Afghanistan để tránh sụp đổ”.
Người tị nạn chờ được quay trở về nhà tại Kabul, Afghanistan ngày 4-10. Ảnh: THX/TTXVN |
Để đảm bảo các nguồn tài trợ này không làm lợi cho chính quyền Taliban, các nhà lãnh đạo G20 cũng tái khẳng định cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan thông qua các tổ chức quốc tế độc lập, đang làm việc tại thực địa, không chuyển qua chính phủ lâm thời của Taliban.
Với khẳng định: Taliban mới có thể ngăn được Afghanistan không rơi xuống vực thẳm, bên cạnh việc hỗ trợ kinh tế, các cuộc tiếp xúc cũng đang tích cực diễn ra giữa đại diện các nước và chính quyền Taliban. Tuy nhiên, Thủ tướng Italia Mario Draghi khẳng định, điều đó không có nghĩa là các nước công nhận chính phủ mới tại Afghanistan. Sự công nhận phải dựa vào các bước đi thực sự của Taliban thực hiện các cam kết đã đưa ra, trước hết là về quyền phụ nữ và các quốc gia G20 đều công nhận có sự tiến bộ theo những cam kết đó.
Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, lộ trình tương lai của Afghanistan còn để ngỏ, phụ thuộc vào hành động thực tế của lực lượng Taliban. |
Dự kiến một hội nghị quốc tế về Afghanistan cũng sẽ được Nga tổ chức vào ngày 20-10 tới. Ngoài đại diện của nước chủ nhà Nga, hội nghị này dự kiến sẽ có sự tham dự của các đại diện từ Trung Quốc, Pakistan, Iran và Ấn Độ.
Loạt các hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra khi đất nước này vẫn đang chìm trong bất ổn với ngổn ngang những nỗi lo về khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng tị nạn hay khủng hoảng an ninh.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, lâu nay Afghanistan phải dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài, chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, hàng chục nghìn người thuộc thành phần tri thức, được đào tạo và có trình độ, đã rời khỏi nước này, trong khi nhiều quốc gia và tổ chức, trong đó có Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phong tỏa tài sản và “đóng băng” các khoản viện trợ của Afghanistan.
Nền kinh tế nước này đang bên bờ suy thoái nghiêm trọng, thậm chí là sụp đổ. Ước tính hơn 30% dân số không có tiền để mua thực phẩm dự trữ dù chỉ là cho ngày hôm sau, trong khi thực phẩm cung cấp cho người dân có thể cạn kiệt vào cuối tháng này.
Đất nước lâm vào khủng hoảng còn khiến người lao động bị nợ lương, đồng nội tệ mất giá và các ngân hàng chỉ cho phép người dân rút tối đa 200 USD mỗi tuần.
Trẻ em Afghanistan chờ nhận thực phẩm viện trợ tại Jalalabad. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hệ quả của việc kết hợp các yếu tố xung đột, hạn hán và dịch COVID-19 khiến 14 triệu người, chiếm 30% dân số, có nguy cơ thiếu ăn và chết đói, 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng. Thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy khoảng 600.000 người Afghanistan đã phải rời bỏ nước này đi lánh nạn sang các nước láng giềng trong năm 2021. Đáng chú ý, chỉ trong hơn 2 tháng qua, con số này đã lên tới 400.000 người.
Không những đối mặt khó khăn về kinh tế, bất ổn an ninh cũng là một thách thức mà Afghanistan đang phải đối mặt. Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào nhóm này, cũng như các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số khác. Mới đây nhất, ngày 8-10, IS đã gây ra vụ đánh bom liều chết tại một thánh đường ở tỉnh Kunduz, Đông Bắc Afghanistan, khiến gần 50 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.
Thực tế này đặt ra thách thức cho cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo Afghanistan không trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh và hòa bình tại khu vực.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc