Multimedia Đọc Báo in

“Hồ sơ Pandora” gây chấn động dư luận thế giới

09:11, 10/10/2021

Việc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phối hợp với khoảng 150 tờ báo điều tra công bố “Hồ sơ Pandora”, gồm khối dữ liệu lớn kỷ lục liên quan đến tài sản ở nước ngoài của các tỷ phú, chính trị gia toàn cầu đang gây chấn động dư luận thế giới.

“Hồ sơ Pandora” bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần nửa triệu bảng tính. Những hồ sơ này đã tiết lộ cách thức một số nhân vật quyền lực nhất thế giới, trong đó có hơn 330 chính trị gia từ 90 quốc gia đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.

“Hồ sơ Pandora” đã tiết lộ các mạng lưới những công ty được thành lập xuyên biên giới, thường là nhằm che giấu việc sở hữu tiền hoặc tài sản. Chẳng hạn, một số người có tài sản ở Anh nhưng lại sở hữu nó qua một chuỗi các công ty được đặt ở những quốc gia khác, hay còn gọi là các công ty "ngoại biên" (offshore). Những công ty hoặc vùng lãnh thổ ngoại biên này là những nơi: Dễ thành lập các công ty; có những điều khoản trong luật pháp khó có thể xác định chủ sở hữu của các công ty; không có, hoặc chỉ có thuế doanh nghiệp ở mức thấp.

Những điểm đến này thường được gọi là các "thiên đường thuế". Không có danh sách định nghĩa các thiên đường thuế này nhưng những điểm đến được biết đến nhiều nhất gồm có: các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh như Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh; cũng như các quốc gia như Thụy Sĩ và Singapore.

Mặc dù việc sở hữu những tài sản bí mật ở nước ngoài không phải bất hợp pháp nhưng việc sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty bí mật để chuyển tiền và tài sản là một cách hoàn hảo để che giấu những khoản tiền thu được từ các hành vi phạm tội.

Theo “Hồ sơ Pandora”, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn nhưng theo ICIJ, lượng tiền được che giấu ở nước ngoài ước tính dao động từ 5.600 - 32.000 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, việc sử dụng các "thiên đường thuế" khiến các chính phủ trên thế giới thất thoát khoảng 600 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

Ngoài ra, “Hồ sơ Pandora” còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty nước ngoài. Một số công ty này được sử dụng để ẩn danh tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy.

Theo "Hồ sơ Pandora", hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài. Nguồn: ICIJ

Giới chức một số nước đã đưa ra phản ứng sau khi “Hồ sơ Pandora” được công bố.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào liên quan đến báo cáo điều tra của “Hồ sơ Pandora” cho rằng ông sử dụng một công ty đầu tư nước ngoài để mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp. Ông cho biết đó là tiền bị đánh thuế và một cuộc kiểm toán đã được thực hiện trước đây để chứng minh rằng ông có đủ thu nhập và bị đánh thuế cho giao dịch.

 

Trước đó, vụ tiết lộ “Hồ sơ Panama” năm 2016 đã khiến hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria.

Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này. Quốc vương Abdullah II là một trong những nhân vật lớn bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora" khi bị cáo buộc sở hữu những ngôi nhà sang trọng trị giá hơn 100 triệu USD ở Anh và Mỹ. Luật sư của Quốc vương Abdullah II cho biết, ông đã sử dụng tài sản cá nhân của mình để mua nhà và không gì sai trái khi nắm giữ những tài sản đó thông qua các công ty nước ngoài.

Tương tự, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc bán mỏ đồng và mỏ sắt Minera Dominga ở Quần đảo Virgin thuộc Anh được nêu trong "Hồ sơ Pandora". Văn phòng của Tổng thống Chile khẳng định ông Pinera đã không điều hành các công ty của mình trong 12 năm và không được thông báo về việc bán các mỏ của Minera Dominga.

Điện Kremlin cũng gọi những gì được nêu trong "Hồ sơ Pandora" là "những cáo buộc thiếu căn cứ". Trước đó, bình luận về việc công bố "Hồ sơ Pandora", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dẫn nhận định của báo Guardian cho rằng cuộc điều tra của ICIJ cho thấy Mỹ cũng là một trong những "thiên đường thuế lớn nhất".

Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố “sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ”. Theo “Hồ sơ Pandora”, các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, được cho là bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD.

"Hồ sơ Pandora" là thông tin mới nhất và lớn nhất về khối lượng dữ liệu trong loạt vụ rò rỉ dữ liệu tài chính ngoại biên so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017). Mặc dù không phải tất cả những người có tên trong danh sách này đều có hành vi sai trái, song những thông tin tiết lộ có thể ảnh hưởng lớn uy tín của các nhà lãnh đạo trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Hồng Hà

(Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.