Multimedia Đọc Báo in

EU tuyên bố không áp đặt trừng phạt thực phẩm và phân bón Nga

16:39, 19/07/2022

Tại Hội nghị các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/7, quan chức hàng đầu của khối cho biết EU sẽ không áp đặt trừng phạt đối với thực phẩm và phân bón Nga.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết các lệnh trừng phạt của khối không và sẽ không áp đặt bất kỳ hạn chế trực tiếp nào đối với hoạt động xuất khẩu phân bón và thực phẩm của Nga, cũng như đối với việc thanh toán các mặt hàng này.

Ông Borrell nhấn mạnh gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga do các ngoại trưởng EU nhất trí không có nội dung mới. Đây có thể được coi là “phiên bản” cải tiến của gói trừng phạt hiện tại. Ông nói rằng kể từ khi EU bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, thực phẩm và phân bón hoàn toàn không có trong danh sách.

“Nếu một số tác nhân kinh tế và tài chính tuân thủ quá mức các lệnh trừng phạt và tẩy chay thị trường Nga, chúng tôi đang cố gắng giải thích với họ rằng các hạn chế mới của EU không ngăn cản họ xuất khẩu và thanh toán các mặt hàng thực phẩm và phân bón Nga”, ông lý giải.

Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell.  (Ảnh: AP/TTXVN)
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell. (Ảnh: AP/TTXVN)

Nhà ngoại giao này cũng cho rằng theo EU, mọi vấn đề lương thực toàn cầu hiện nay xuất phát từ việc ngăn xuất khẩu ngũ cốc do cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng bày tỏ hy vọng Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận tại cuộc đàm phán ở Istanbul về xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine bằng đường biển.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới đã xuất hiện từ lâu trước khi Moskva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nhà ngoại giao Nga cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này là đại dịch COVID-19 và những tính toán sai lầm của các nước phương Tây. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tình hình hiện nay đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã trở thành một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung lương thực.

Ngày 18/7, tại Hội nghị các ngoại trưởng EU, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Moskva, bao gồm các biện pháp trừng phạt vào các tổ chức cá nhân của Nga, cũng như lệnh cấm vận đối với mặt hàng vàng của Nga và tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine. Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga cơ bản được cập nhật theo các nguyên tắc trước đó và không có bất kỳ hạn chế nào liên quan tới vấn đề nhập khẩu năng lượng.

Giới chức EU cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga không nhằm mục đích chấm dứt xung đột ở Ukraine, mà nhằm phá hủy nền kinh tế của Moskva.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.