Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo từ khủng hoảng kinh tế, chính trị tại Sri Lanka

08:50, 17/07/2022

Trưa 13/7, Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước trước đó cùng ngày.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ

Ông Rajapaksa cùng vợ và vệ sĩ đã sử dụng máy bay quân sự Antonov-32 của không quân Sri Lanka để tới Maldives. Như vậy, Tổng thống Rajapaksa đã rời Sri Lanka sau các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tháng qua tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên ông Rajapaksa ra đi không có nghĩa là khủng hoảng chính trị cùng những khó khăn về kinh tế, vốn đang tác động tiêu cực đến đời sống của 22 triệu người dân Sri Lanka kết thúc. Cộng đồng quốc tế lo ngại khoảng trống quyền lực tại Sri Lanka có thể diễn biến thành khủng hoảng, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh nước này và khu vực Nam Á mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với các quốc gia mới nổi. 

Những ngày qua, người dân Sri Lanka bày tỏ sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng, gây ra sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Mặc dù những người biểu tình đã yêu cầu tổng thống và thủ tướng Sri Lanka từ chức ngay lập tức nhưng ông Gotabaya Rajapaksa và ông Ranil Wickremesinghe vẫn chưa chính thức từ chức.

Ngay sau khi tin ông Rajapaksa ra đi, đã xảy ra biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Colombo, thậm chí người biểu tình đã tràn vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức.

Người biểu tình tại Phủ tổng thống ở Colombo, Sri Lanka.

Phát biểu trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana đã kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm của tất cả các đảng phái và toàn thể người dân vì tương lai của đất nước để đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

Trong một động thái liên quan, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Sri Lanka tiến hành quá trình chuyển đổi chính phủ suôn sẻ và đưa ra các giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Có thể nói, bất kỳ ai lên nắm quyền tại Sri Lanka trong những ngày tới sẽ đều phải đối mặt với một số nhiệm vụ khó khăn, bao gồm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng của đất nước và hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc.

Sri Lanka vốn là một thiên đường du lịch và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc… Song, với chính sách quản lý sai lầm, yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan, đại dịch COVID-19… đã khiến quốc đảo Nam Á lâm vào khủng hoảng hoảng kinh tế - tài chính nghiêm trọng, không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Hồi tháng 4, Sri Lanka tuyên bố đình chỉ kế hoạch trả 7 tỷ USD nợ nước ngoài đáo hạn trong năm nay trong khoảng 25 tỷ USD nợ dự kiến đáo hạn tới năm 2026. Tổng nợ nước ngoài của nước này rơi vào khoảng 51 tỷ USD. Lạm phát đã chạm mức kỷ lục hằng năm là 54,6% vào tháng 6 và có thể lên tới 70% trong thời gian tới. Sri Lanka hiện đang rất cần gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giữ nền kinh tế vận hành đến hết năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có được sự chấp thuận của đội ngũ điều hành IMF, Sri Lanka phải chứng minh được rằng họ có khả năng phục hồi nền kinh tế một cách bền vững.

Hồi chuông cảnh báo

Câu chuyện của Sri Lanka là lời cảnh báo cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nguyên nhân chính gây ra vấn đề này ở mỗi quốc gia rất khác nhau, nhưng tất cả đều chịu rủi ro trước tình trạng giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng, một phần do cuộc xung đột Nga - Ukraine, một phần do dịch bệnh COVID-19 gây gián đoạn hoạt động du lịch và các hoạt động kinh doanh khác. Ngân hàng Thế giới ước tính, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay sẽ thấp hơn 5% so với mức trước đại dịch.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất thế giới đang đối mặt hoặc chính thức lâm vào cảnh túng quẫn.

Khủng hoảng kinh tế đang làm bùng phát các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia, trong khi đó, việc tăng lãi suất cho vay hay vay nợ ngắn hạn để tài trợ cho các gói cứu trợ đại dịch đã khiến nhiều nước vốn đang phải gồng mình chi trả các khoản nợ lớn rơi vào tình trạng điêu đứng.

Một số quốc gia như Zambia và Lebanon đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ trên toàn thế giới để có được các khoản vay mới hoặc cơ cấu lại số tiền nợ của họ. Còn Pakistan, cũng giống như Sri Lanka, đang gấp rút đàm phán với IMF với hy vọng khôi phục gói cứu trợ 6 tỷ USD bị trì hoãn sau khi chính phủ của cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào tháng 4 vừa qua. Dự trữ ngoại tệ đang xuống mức thấp kỷ lục; giá nhiên liệu gia tăng đã khiến lạm phát tăng trên 21%. Để nhận được chấp thuận của IMF, Thủ tướng Pakistan, ông Shahbaz Sharif đã bãi bỏ trợ cấp nhiên liệu và áp đặt mức thuế mới 10% đối với các ngành công nghiệp lớn để giúp khôi phục phần nào nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Tại Zimbabwe, lạm phát đã tăng 130% làm dấy lên lo ngại nước này có thể quay trở lại viễn cảnh đen tối như năm 2008, với tỷ lệ lạm phát ở mức 500 tỷ %, khiến đồng nội tệ ZWD gần như không có giá trị trên thực tế và buộc chính phủ phải phụ thuộc vào USD và đồng tiền của các nước láng giềng (đồng rand Nam Phi). Zimbabwe đang phải nỗ lực tạo ra một đồng bạc xanh phù hợp với nền kinh tế của đất nước vốn đã bị vùi dập bởi tình trạng phi công nghiệp hóa, đầu tư thấp, xuất khẩu giảm và nợ công cao.

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển, từ mức 4,6% xuống còn 3,4% trong năm nay. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến nhiên liệu và nhiều mặt hàng nhập khẩu khan hiếm. Khoản nợ của nhiều quốc gia cũng tăng lên khi lãi suất cho vay gia tăng.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc