Multimedia Đọc Báo in

Lùi các giải bóng đá chuyên nghiệp sang năm 2022: Liệu có khả thi?

09:22, 01/08/2021

Trước việc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF đề xuất phương án lùi các giải bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia mà Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đang thi đấu sang tháng 2-2022, rất nhiều câu lạc bộ đã lên tiếng phản đối, cho rằng đây là phương án không khả thi, chưa phù hợp.

Theo thông tin mà ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, trong số 14 đội bóng đang chơi ở V.League 1 thì có đến 10 câu lạc bộ phản đối, 3 câu lạc bộ không có ý kiến và 1 câu lạc bộ đồng tình với phương án mà VPF đưa ra. Còn 13 câu lạc bộ đang thi đấu ở V.League 2 (Giải hạng Nhất quốc gia), đại đa số cũng không thống nhất với phương án trên.

Dễ hiểu lý do phần lớn các câu lạc bộ phản đối, bởi việc kéo dài giải đến tháng 2-2022 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo áp lực tài chính lớn lên các đội bóng khi họ vẫn phải chi trả khoản lương, sinh hoạt phí trong thời gian dài các cầu thủ nghỉ thi đấu, ảnh hưởng đến các kế hoạch, công tác chuyên môn, hợp đồng giữa câu lạc bộ với cầu thủ của nhiều đội bóng…

Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà sau hai lần phải tạm hoãn, đến lần thứ ba VPF đề xuất dời sang tháng 2-2022, các câu lạc bộ đã mất kiên nhẫn và có ý kiến hủy bỏ các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2021.

Cổ động viên đến Sân vận động Buôn Ma Thuột cổ vũ các cầu thủ nhà thi đấu trong mùa giải 2020.

Trước phản ứng của các câu lạc bộ, VPF đã xây dựng phương án kế hoạch tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 và lấy ý kiến của các câu lạc bộ. Theo đó dự kiến các giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 sẽ bắt đầu trở lại từ ngày 20-11-2021. Cụ thể, đối với Giải hạng Nhất quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 20-11 và đến ngày 16-12-2021 sẽ kết thúc giai đoạn 1; ngày 20-12-2021 đến ngày 14-1-2022 thi đấu tách nhóm A, B và kết thúc giải.

Với Giải vô địch quốc gia V.Laegue 1 thì ngày 12-2-2022 bắt đầu bằng các trận đấu bù vòng 13, giai đoạn 1; ngày 16-2 đến ngày 12-3 thi đấu tách nhóm A, B và kết thúc giải. Còn với Cúp quốc gia ngày 17-1-2022 tổ chức vòng 1/8, ngày 8-2 diễn ra vòng tứ kết, từ ngày 15-3 đến 18-3-2022 sẽ tổ chức các trận đấu bán kết và chung kết.

Bày tỏ ý kiến của Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk về phương án mà VPF đưa ra, ông Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, trước mắt Câu lạc bộ sẵn sàng hợp tác cùng VPF để có thể hoàn thành mùa giải 2021, với mục đích góp phần duy trì hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước, tạo môi trường thi đấu để cầu thủ nâng cao năng lực chuyên môn cũng như đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nhà tài trợ, từ câu lạc bộ đến đơn vị tổ chức giải. Tuy vậy nếu theo phương án này cần phải tính toán, thay đổi một số cơ chế cho phù hợp.

Đơn cử như toàn bộ kinh phí đã cấp cho Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk trong năm 2021, nếu để đá sang năm 2022 thì không thể quyết toán theo nguyên tắc tài chính, cần có sự phối hợp để tháo gỡ “điểm nghẽn” này. Sau khi cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đề xuất phương án nên tiếp tục thi đấu trong năm 2021 và chỉ hết giai đoạn 1 là kết thúc giải, điều này đồng nghĩa với việc Ban tổ chức phải sửa đổi Điều lệ giải cho phù hợp.

“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, phương án VPF đưa ra kéo dài đến năm 2022 liệu rằng có khả thi, bởi nếu lúc đó dịch bệnh vẫn bùng phát thì giải lại phải tạm hoãn, các câu lạc bộ lại phải chờ đợi, vừa mất thời gian lại tốn kém kinh phí duy trì hoạt động đội bóng”, ông Nguyễn Xuân Hòa nêu giả thiết.

Đội hình Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk đang thi đấu tại Giải hạng Nhất quốc gia 2021.

Tất nhiên việc VPF buộc phải tạm hoãn, hoặc điều chỉnh, thay đổi lịch thi đấu là do yếu tố khách quan, không ai mong muốn. Tuy nhiên, việc thay đổi cũng phải thật sự phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích của các câu lạc bộ. Không phải không có lý do khi đề xuất trên của VPF tiếp tục bị các câu lạc bộ phản đối, thậm chí có câu lạc bộ đang chơi tại V.League đề nghị hủy giải; "nhẹ nhàng" hơn, một số  câu lạc bộ kiến nghị, nêu phương án dừng mùa giải 2021 và giữ nguyên mọi kết quả của các đội bóng, công nhận đội đang xếp thứ nhất vô địch và không có đội xuống hạng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.