Multimedia Đọc Báo in

Bóng đá Việt Nam

Hãy biến “nguy” thành “cơ”

15:17, 25/09/2021

Cũng như các lĩnh vực khác, bóng đá Việt Nam đã gặp phải vô vàn khó khăn trong hai năm xảy ra dịch bệnh COVID-19. Đây là lúc thử thách bản lĩnh, tài năng quản trị, điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng năng lực chịu đựng của các câu lạc bộ (CLB). Trong “nguy” liệu có nảy ra “cơ”?

Giải chuyên nghiệp “bong một phần nước sơn”

VFF, VPF và các CLB đã biểu quyết thống nhất hủy Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 (V-League) và hạng Nhất, khi đã đi được 2/3 chặng đường. Đây là quyết định chưa từng xảy ra trong lịch sử, và cũng hiếm với thế giới.

Quá ít CLB chịu nổi “nhiệt” do dịch bệnh gây ra. Một số CLB kêu trời vì không còn ngân sách hoạt động. Nhiều đội nợ lương cầu thủ. Đau lòng nhất là Quảng Ninh, nhà tài trợ đã phải 3 lần viết đơn trả đội bóng cho tỉnh, nhưng tỉnh lại không đồng ý, lý do đã “gả đội bóng” cho mạnh thường quân.

Chưa bao giờ tiếng “than khổ” vang động làng bóng đá nội như thời gian qua. Nhiều cầu thủ phải về quê làm việc trái nghề để kiếm cơm. Có trọng tài phải ra đồng làm muối… Trong khi đó, VFF và VPF không có động thái nào hỗ trợ các thành viên của mình. Cùng lúc, liên tiếp những “đòn tấn công” nhắm vào lãnh đạo VPF, đòi tổ chức đại hội cổ đông và thay lãnh đạo Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp này, càng thêm rối.

Quang Hải (trái) và đội tuyển Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo. Ảnh: Hoàng Linh

Rõ ràng sau 21 năm lên chuyên nghiệp, V-League vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu chuyên nghiệp. Các CLB không tự nuôi được bản thân thông qua bán vé, đồ lưu niệm, chuyển nhượng… Họ sống phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Rất nhiều giá trị thiêng liêng của bóng đá bị mất đi, như hàng loạt CLB nổi tiếng bị giải thể. Số còn lại thì liên tục thay đổi phiên hiệu. Chất lượng V-League không cao, khán giả vắng. Sự quản lý chồng chéo giữa VFF và VPF khiến một mô hình tốt như Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã không đẻ ra lãi, các CLB đóng tiền vào chỉ để… lỗ và lỗ!

Sẽ ra sao ngày sau?

Tháng 2-2022, hợp đồng giữa VFF với thầy Park sẽ kết thúc. Mấy tháng qua, dư luận thi thoảng râm ran việc huấn luyện viên (HLV) này sẽ rời Việt Nam để đến nơi hấp dẫn hơn, lương bổng cao hơn. Thực tế, HLV người Hàn Quốc đã có tất cả với bóng đá Việt Nam.

Ngay lúc này, VFF cần phải chủ động lường mọi phương án để làm sao “con tàu” bóng đá Việt Nam tiếp tục đi đúng quỹ đạo. Trước mắt, hãy biến 8 trận còn lại của Vòng loại thứ ba World Cup 2022 thành cơ hội vàng để các tân binh, các tài năng trẻ được cọ xát, học hỏi. Từ đó, định hình nên một thế hệ cầu thủ kế cận lứa Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Mạnh Dũng…, phục vụ cho tương lai. Hãy tranh thủ chất xám của thầy Park trong việc truyền cảm hứng, đào tạo trẻ, hợp tác với bóng đá Hàn Quốc, tiến cử người kế cận để kế thừa “di sản Park” trong tương lai. Khi thương hiệu đội tuyển quốc gia đang lên, lãnh đạo VFF cần tranh thủ để quảng bá, kết nối, thúc đẩy nhằm tìm thêm các nguồn lực kinh tế giúp cho ngân sách hoạt động tốt hơn. Dịch bệnh xảy ra cũng là khoảng lặng để những người có trách nhiệm với nền bóng đá chiêm nghiệm lại những hạn chế, vạch ra các chiến lược mới để vượt khó.

Những năm qua, bóng đá Việt Nam đã mang lại nhiều niềm vui cho người hâm mộ. Bản thân bóng đá không ít lần hân hạnh được đặt lên “nghị trường”, coi như tấm gương cho các lĩnh vực khác học hỏi. Dù vậy, một phần “nước sơn” đã bị bong ra trong đại dịch đến lúc cần gióng tiếng chuông cảnh báo cho những người có trách nhiệm. Chúng ta đã phải trả giá rất nhiều để có được chút thành tựu như 4 năm qua. Do đó, cần phải giữ gìn, trân quý, phải nghĩ ra cách để chuyển hóa khó khăn thành cơ hội phát triển.

Đã đến lúc nền bóng đá, và cả người hâm mộ, cần "đáp xuống mặt đất"!

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.