Multimedia Đọc Báo in

Đừng “hắt hủi” giải chuyên nghiệp

09:10, 13/03/2022

Sau vòng đấu thứ 4 cuối tuần này, V-League và giải hạng Nhất sẽ nghỉ đến 4 tháng. Có nghĩa là đến tận ngày 2/7 thì trái bóng mới lăn trở lại trên sân cỏ nội.

1. Đội tuyển quốc gia sẽ đá 2 trận cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 vào ngày 24/3 (tiếp Oman) và ngày 29/3 (sang Nhật Bản). Từ ngày 15 đến 30/4, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ thi đấu AFC Champions League. Tiếp đó, cuối tháng 6, Viettel tham dự AFC Cup. Từ đầu đến giữa tháng 5, đội tuyển U23 sẽ phải chuẩn bị và tham dự SEA Games 31 với nhiệm vụ bảo vệ Huy chương Vàng trên sân nhà. Rồi sang tháng 6 là vòng chung kết Giải U23 châu Á tại Uzbekistan.

Chẳng có một giải bóng đá chuyên nghiệp nào trên thế giới mà hoãn, giải tán, nghỉ kéo dài với đủ lý do, trong đó ưu tiên cho các đội tuyển quốc gia thi đấu giải quốc tế, như ở ta. Điều đó nói lên những vấn đề gì?

Công Phượng cùng các tuyển thủ quốc gia trong màu áo HAGL thi đấu mờ nhạt qua 3 vòng đấu.

Rõ ràng, chúng ta quá chuộng thành tích. Bao năm nay, các đội tuyển quốc gia luôn tập trung thời gian quá dài, trái với đội tuyển các nước khác chỉ tập trung trước lúc "tham chiến" chu kỳ rất ngắn. Họ hết sức coi trọng hệ thống giải thi đấu chuyên nghiệp. Quyền lực của các câu lạc bộ cũng rất lớn, rõ ràng, trong trách nhiệm đóng góp cho các đội tuyển quốc gia.

Chúng ta thì khác, cứ lệnh V-League, hạng Nhất phải nghỉ bao lâu, cầu thủ phải tập trung lên tuyển lúc nào, các câu lạc bộ răm rắp tuân theo. Đã có nhiều câu lạc bộ than trời quân mình bị vắt kiệt sức, bị chấn thương vẫn được “hân hạnh” gọi lên tuyển mà bất chấp cảm xúc, tình trạng sức khỏe ra sao.

Đa số các câu lạc bộ đều không thích mùa giải kéo dài lê thê, hoãn liên tục. Việc quản lý cầu thủ đương nhiên sẽ rất mệt mỏi. Duy trì phong độ cho quân mình càng vất vả. Hãy nhìn 3 vòng đấu vừa qua, số bàn thắng rất ít, các tuyển thủ quốc gia vẫn mờ nhạt, đủ hiểu rất cần duy trì mạch cảm giác thi đấu ở V-League. Điển hình như HAGL chưa ghi nổi bàn thắng nào. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh… đã không còn là chính mình.

Một vấn đề nữa là, khi giải đấu kéo dài, ám ảnh nhất vẫn là kinh phí bị phình ra, bởi việc trả lương, chế độ, đủ thứ phát sinh. Thời buổi dịch dã khó khăn, bóng đá chưa có lãi trong khi tiền cứ phải chi ngoài mong muốn, thậm chí không hợp lý, chắc chắn chẳng có ông chủ nào mà không ấm ức.

2. Đã đến lúc V-League và hạng Nhất cũng như các câu lạc bộ cần được đối xử một cách công bằng, chuyên nghiệp hơn. Bởi, sự đầu tư vào mùa giải của các đội là rất lớn. Họ cần được đảm bảo về tính công bằng, trung thực để đội nào mạnh đều có cơ hội vô địch. Họ cần lịch thi đấu hết sức khoa học, tạo điều kiện về chuyên môn và tài chính. Giải chuyên nghiệp phải thực sự được xây dựng vững chắc, trở thành bệ phóng để các đội tuyển quốc gia bay bổng, chứ không phải tâm thế “hy sinh” bằng mọi giá, miễn các đội tuyển quốc gia được tạo mọi điều kiện tối đa. Không thể để tình trạng cứ các đội tuyển quốc gia thành công là vui vẻ, bất kể giải chuyên nghiệp thất bại.

Rõ ràng V-League đã 22 năm tuổi nhưng sự phát triển không như mong muốn. Hãy nhìn bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, họ đã phát triển như vũ bão, dù đi sau chúng ta. Mỗi trận đấu trung bình 30 - 40 nghìn khán giả, trong khi V-League chỉ 10 - 15 nghìn người là đông. Việc vận động tài trợ của giải chuyên nghiệp chúng ta luôn trong điều kiện khó khăn.

Trong năm 2022 này, V-League sẽ nghỉ 4 lần để phục vụ cho các đội tuyển quốc gia. Trong khi đó Thai League 1 vẫn đá bình thường. Năm ngoái, Việt Nam cần tới gần 3 tuần tập trung cho AFF Cup  thì Thái Lan chỉ có chưa đầy 7 ngày.

Nghĩ lại, quãng thời gian nghỉ kéo dài đến 4 tháng thật là “khủng khiếp”. Nếu cứ đà thế này, khi V-League vẫn không phát triển, có lẽ các câu lạc bộ cần lên tiếng mạnh mẽ để xóa đi những tồn tại rất vô lý và nguy hại cho bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. 

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.