Multimedia Đọc Báo in

Thể thao chuyên nghiệp Đắk Lắk: Loay hoay với “mục tiêu” trụ hạng

09:15, 10/07/2022

Không có tập đoàn kinh tế, nhà tài trợ mạnh, nguồn lực eo hẹp… là nguyên nhân chính khiến các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp tỉnh ta nhiều năm qua cứ mãi loay hoay với “mục tiêu” trụ hạng.

Hiện Đắk Lắk có hai đội tuyển đang tranh tài tại các giải chuyên nghiệp quốc gia, hoạt động bằng ngân sách là: Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk tham dự Giải hạng Nhất quốc gia và đội tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk đang dự Giải bóng chuyền vô địch quốc gia - giải đấu đỉnh cao nhất của bóng chuyền Việt Nam.

Với Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, năm 2014, đội bóng được thăng hạng, lên chơi ở V-League 2. Trong 8 năm có mặt ở sân chơi chỉ xếp sau Giải bóng đá vô địch quốc gia thì vị trí cao nhất mà “Những chú voi Tây Nguyên” giành được là vào năm 2018 khi xếp thứ 4 chung cuộc. Đó là mùa giải thăng hoa nhất của đội bóng mà lúc bấy giờ, bằng tài năng của mình, Huấn luyện viên Trần Phi Ái đã chèo lái đội lập nên kỷ lục bằng chuỗi 5 trận thắng liên tiếp và có thời điểm vươn lên tốp 3 đội dẫn đầu bảng xếp hạng. Cũng năm đó, tiền đạo Y Thăng Êban thi đấu thành công nhất, anh đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 15 lần đưa bóng vào lưới đối phương. Tuy nhiên đó cũng là mùa giải duy nhất mà người hâm mộ đồng hành cùng đội bóng được tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc bởi trước và sau đó, mục tiêu của đội bóng luôn đưa ra rất khiêm tốn là trụ hạng thành công, hoặc phấn đấu nằm ở tốp giữa khi mùa giải khép lại.

Một trận cầu của Câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk trên Sân vận động Buôn Ma Thuột.

Tất nhiên, cần có cái nhìn sẻ chia, thông cảm với cái khó của đội. Trong bối cảnh hoạt động của câu lạc bộ hoàn toàn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, không có thêm những nguồn lực của các nhà tài trợ để tiếp sức, chiêu mộ cầu thủ chất lượng, nâng tầm đội bóng nên mục tiêu trên là phù hợp với trình độ, khả năng của đội bóng. Thực tế cũng chứng tỏ điều đó bởi đã có đến 3 mùa giải, người hâm mộ phải đối mặt với tâm trạng thấp thỏm, phập phồng lo âu khi câu lạc bộ trụ hạng thành công vào những phút chót. Đơn cử như mùa giải 2020, đội chỉ “thoát hiểm” nhờ hơn đội xếp cuối bảng là Đồng Tháp đúng 1 điểm.  

Tất nhiên, khát khao và quyết tâm giành một vị trí cao tại giải thì câu lạc bộ nào cũng có, song chẳng riêng gì Đắk Lắk mà nhiều đội ở Giải hạng Nhất quốc gia vì cái khó kinh phí nên cũng chỉ chọn mục tiêu… không rớt hạng đã là thành công. Thế nên giấc mơ lên chơi tại V-League 1, gần hơn nữa là nằm trong tốp 3 đội mạnh nhất với người hâm mộ Đắk Lắk sẽ còn là câu chuyện tương lai xa và không thực tế.

Các cô gái Đắk Lắk vui mừng khi trụ hạng thành công ở Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2018.

Còn tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk thành công hơn khi góp mặt trong danh sách những gương mặt mạnh nhất toàn quốc tranh tài tại Giải bóng chuyền vô địch quốc gia hấp dẫn nhất nước. Đại diện duy nhất của các tỉnh Tây Nguyên hiện diện, tranh tài ở giải đấu chất lượng, uy tín này từ năm 2017. So sánh tương quan với các đội bóng sở hữu lực lượng hùng hậu, có tiềm lực kinh tế rất mạnh tại giải, cũng chưa khi nào Đắk Lắk dám mạnh dạn đề cập đến mục tiêu nằm trong tốp 3, mà trước mỗi mùa giải, ban huấn luyện cũng như lãnh đạo ngành thể thao luôn đưa ra mục tiêu vừa sức là không để rớt hạng A. Dù vậy mục tiêu ấy đã không ít lần bị đe dọa, dẫu có thời điểm trong đội hình Đắk Lắk có những cầu thủ chất lượng như: chủ công tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Trinh, libero Đặng Thị Thoan, phụ công Như Quỳnh. Đắk Lắk đã có năm phải tham dự các trận "chung kết ngược" nghẹt thở để trụ hạng.

Mùa giải 2022 vừa khởi tranh, các học trò của Huấn luyện viên Trần Đăng Thành cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do không có sự bổ sung đáng kể về lực lượng, trong khi đó đội hình lại “khuyết” chủ công Nguyễn Thị Trinh. Nguồn tài chính eo hẹp không thể giữ chân cô trước những lời mời chào cùng với chế độ lương thưởng hấp dẫn từ các đội bóng khác nên Nguyễn Thị Trinh đã chia tay, cập bến đội bóng mới Ninh Bình. Thêm nữa, hai thất bại liên tiếp trước nhà đương kim vô địch Bộ Tư lệnh Thông tin và một trong những đội bóng được đánh giá yếu nhất bảng là Vietinbank như khép lại cơ hội xếp vị trí thứ 4 của bảng để khỏi dự trận "chung kết ngược". Khó lại chồng khó, bởi năm nay có đến 2 đội phải xuống hạng thay vì 1 đội như mọi năm. Chính vì vậy, nếu khép lại mùa giải 2022, tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk không phải nằm trong danh sách 2 đội bóng xuống chơi tại giải hạng B đã là một thành công, đem lại niềm vui cho khán giả hâm mộ.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.